08:29:49 | 10/6/2024
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được tỉnh Sơn La xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần tạo đột phá thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Một số dự án tồn tại từ nhiều năm trước đã từng bước được tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đa số người dân đồng thuận, ủng hộ, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, GPMB.
Đoàn công tác UBND tỉnh Sơn La kiểm tra tiến độ thi công Dự án nâng cấp đường giao thông Nậm Ty (huyện Sông Mã) - Mường Chanh (huyện Mai Sơn)
Nhiệm vụ trọng tâm
Trong 2 năm 2022 - 2023, toàn tỉnh có 126 dự án thuộc diện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổng diện tích thu hồi theo kế hoạch sử dụng đất hơn 44.274ha; trong đó đã GPMB đạt hơn 39.600ha. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã chi trả hơn 895 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả công tác GPMB trên địa bàn tỉnh, ngày 16/03/2024, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai. Rà soát các vướng mắc, cập nhật các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đơn giá bồi thường, hỗ trợ với tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân cấp, ủy quyền tối đa cho UBND cấp huyện; xây dựng bộ đơn giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đầy đủ, linh hoạt, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người có đất thu hồi.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là các dự án trọng điểm; kịp thời phát hiện, giải quyết triệt để các vướng mắc ngay từ cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, đông người.
Các Huyện ủy, Thành ủy kiện toàn Ban chỉ đạo công tác bồi thường GPMB các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy hoặc Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy địa phương.
Đặc biệt, với đặc thù tỉnh miền núi với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn quan tâm chú trọng thực hiện công tác dân vận; nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm đến đời sống của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thực hiện dự án. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, tạo sự đồng thuận của đa số người dân. Thực hiện nghiêm quy trình, công khai, minh bạch gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nhất là cơ chế: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong tất cả các dự án ngay từ ban đầu; chủ động, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân.
Thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nắm vững chuyên môn nghiệp vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác dân vận. Phổ biến, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng cho cán bộ được phân công tham gia thực hiện dự án. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ cấp tỉnh, huyện đến xã, phường, tổ, bản; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường, GPMB, tái định cư.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về cải cách TTHC; thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; thực hiện duy trì giảm ít nhất từ 25% thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ sử dụng Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Dịch vụ công trực tuyến một phần theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Rà soát các TTHC sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ban hành; trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quyết định về việc công bố danh mục TTHC và quy trình nội bộ lĩnh vực tài nguyên, môi trường thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường có 126 TTHC, trong đó: 86 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, 37 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, 03 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. 100% các TTHC đã được thực hiện số hóa trên hệ thống phần mềm motcua/stnmt.sonla.gov.vn; các hồ sơ, tài liệu giấy liên quan đến TTHC được chuyển đổi thành hồ sơ điện tử ngay từ khâu tiếp nhận tại bộ phận một cửa và chuyển đến phòng giải quyết theo quy định. Tỷ lệ giải quyết TTHC luôn đúng và trước hạn 100%.
Duy anh (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI