09:18:40 | 25/9/2024
Thời gian qua, với nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của TP.Hà Nội đã có đầu ra ổn định và được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm OCOP đa dạng về chủng loại mẫu mã, đảm bảo chất lượng cao, đồng thời có hệ thống phân phối và kênh tiêu thụ ngày càng phong phú đã giúp người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn các sản phẩm.
Cầu nối đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
TP Hà Nội luôn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả. TP. Theo đánh giá của các huyện, xã, việc phát triển các Điểm OCOP giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sản phẩm OCOP, huyện Thường Tín đã và đang khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng được 2 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các phường trên địa bàn. Bởi đây không chỉ là giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương mà còn tạo thêm cơ hội để người dân tiếp cận, sử dụng những sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, sản phẩm OCOP trong, ngoài thàn phố. Bà Nguyễn Thị Liên, người dân xã Hồng Vân, là khách hàng thường xuyên tại cửa hàng OCOP trên địa bàn : " tôi thấy có nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh thành khác phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Khi mua các sản phẩm OCOP, tôi rất yên tâm về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Hy vọng rằng TP Hà Nội sẽ có nhiều điểm cung ứng và quảng bá sản phẩm uy tín, tin cậy tương tự để người dân dễ tiếp cận hơn với sản phẩm có chất lượng".
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, Hà Nội hiện có trên 100 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số đó có trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Cửa hàng Khánh Phát - xã Tản Lĩnh, Ba Vì giới thiệu sản phẩm OCOP từ sữa, sản phẩm huyện Ba Vì... Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Hà Nội và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.
Để sản phẩm OCOP luôn được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận
Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới, như: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai); miến dong Minh Dương của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức); gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì, rau Văn Đức (Gia Lâm)...
Về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến hết năm 2023 đã có 10 trung tâm của 8 huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông. Năm 2024, thành phố lên kế hoạch công nhận từ 5 - 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Việc phát triển các Điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống phân phối của thành phố; đồng thời, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng tới các địa phương khác trong cả nước.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội là “đất trăm nghề”. Các sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống của Hà Nội được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ và truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay của mảnh đất kinh kỳ, văn hóa xứ Đoài. Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội cũng có hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code, cùng với đó là hàng trăm sản vật nức tiếng như gà Mía Sơn Tây, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai),... Đó là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đã và đang được khai thác trong Chương trình OCOP của Hà Nội. Những đặc sản này được “gắn sao” OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố xác định đưa Chương trình OCOP về đích sớm 1 năm so với kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Muốn làm được điều này, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn; hỗ trợ chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng.
Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, bảo vệ và phấn đấu để OCOP luôn là thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến, tin tưởng, lựa chọn sử dụng.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI