Tiền Giang: Thu hút đầu tư xanh, tạo đà phát triển nhanh, bền vững

15:25:53 | 16/12/2024

Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, các quy hoạch hoàn chỉnh và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Tiền Giang đang là điểm sáng thu hút đầu tư của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chế biến nông - thủy sản hiện đại, tập trung, quy mô lớn, xanh, thân thiện môi trường; du lịch, thương mại, logistics và cảng biển.

Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang.

Thời gian qua, Tiền Giang ghi dấu mạnh mẽ bởi các dự án lớn đến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ về kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp?

Để tạo nguồn lực và khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2024, tỉnh đã giới thiệu danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư với các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án), nông nghiệp (3 dự án).

Về thu hút đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút được 16 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 8.861,76 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023; có 11 dự án tăng vốn 8.020,42 tỷ đồng, tăng gấp 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến hết tháng 11 được 16.882,18 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Giai đoạn từ năm 2021 đến hết tháng 11/2024, Tiền Giang thu hút được 56 dự án đầu tư mới, trong đó có 22 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 22.078 tỷ đồng (vốn FDI khoảng 2.043 tỷ đồng). Tổng vốn thu hút đầu tư trong gần 4 năm qua khoảng 42.898 tỷ đồng, xấp xỉ với tổng vốn đầu tư thu hút trong 5 năm trước đó (2016 - 2020). Điều này giúp Tiền Giang luôn nằm ở nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI tại Vùng ĐBSCL.

Về phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2024 có trên 900 doanh nghiệp thành lập mới; qua 4 năm 2021 - 2024 đã có 3.274 doanh nghiệp thành lập mới. Doanh nghiệp thành lập mới hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và những ngành nghề mới phù hợp sự phát triển của tỉnh và cả nước, quy mô ngày càng tăng.

Tiền Giang đang quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai những giải pháp nào nhằm góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư xanh?

Tiền Giang xác định tăng trưởng xanh gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều thể chế, chính sách, giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Theo đó, Sở đã tham mưu hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 31/12/2023) với nhiều mục tiêu, quan điểm, phương hướng, giải pháp cụ thể, là cơ sở lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai đồng bộ các quy hoạch trên địa bàn tỉnh và đồng bộ với Quy hoạch tỉnh, nhất là quy hoạch xây dựng - đô thị, quy hoạch sử dụng đất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt khơi thông các nguồn lực về vốn đầu tư, đất đai, nguồn nhân lực,… để thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, nhất là giai đoạn 2025 - 2030.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 99%, tỷ lệ chất thải nguy hại từ cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 98,79%, tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đạt 95,83%; cơ sở y tế thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đạt 100%,...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 16/8/2024 về cải thiện Chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Tiền Giang năm 2024. Kế hoạch số 306/KH-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm vững nội dung, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung vào 04 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp), đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường và chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Thông qua đó, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo sự phát triển theo hướng cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu công bố của VCCI, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh Tiền Giang được cải thiện mạnh mẽ, năm 2023 xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tuyến đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại,… Để góp phần cụ thể hóa mục tiêu trên, định hướng thu hút đầu tư thời gian tới đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ nào, thưa ông?

Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đến năm 2030,Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa Vùng ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh đặt ra các định hướng, ưu tiên phát triển là: Một dải, hai tâm, ba đột phá phát triển, bốn hành lang kinh tế.

Theo đó, một dải ven sông Tiền; hai tâm gồm vùng Tân Phước, vùng Gò Công; bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 1, quốc lộ 50B, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và quốc lộ 50, hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với Vùng ĐBSCL. Ngoài ra, ba đột phá phát triển: Hạ tầng, cải cách hành chính - cải thiện môi trường đầu tư và nguồn nhân lực.

Dựa trên những lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh của tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư những dự án thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị, dân cư, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...; không tiếp nhận các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cụ thể:

Trong nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, nhất là trái cây để góp phần nâng cao giá trị và tính ổn định nông sản của tỉnh gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.

Trong công nghiệp, thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN (KCN Tân Phước 2, 3,4, KCN Soài Rạp, KCN Phú Tân,…) và các dự án thứ cấp vào các KCN, CCN đã đầu tư hạ tầng (KCN Long Giang, KCN Bình Đông, Tân Phước 1, CCN Gia Thuận 1, 2,…) ở 2 vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh (vùng Tân Phước và vùng Gò Công). Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác vị trí, lợi thế so sánh của tỉnh, tiềm năng lao động của tỉnh và của vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng cao và bền vững.

Thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư, góp phần thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa các đô thị. Lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên nhân văn và hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia nối kết với các trung tâm du lịch trong Vùng TP.Hồ Chí Minh, Vùng ĐBSCL, Tiểu vùng sông Mekong; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm quy mô lớn, hệ thống các chợ đầu mối về nông - thủy sản,… Ngoài ra, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển logistics nhất là khu vực ven biển Gò Công, sông Soài Rạp, ở TP.Mỹ Tho (sông Tiền),…

Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch gắn với chuyển đổi số. Bên cạnh các chương trình, kế hoạch đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng - đô thị, quy hoạch sử dụng đất đồng bộ với Quy hoạch tỉnh, kịp thời công bố, công khai rộng rãi quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án mời gọi đầu tư, thủ tục hành chính đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng cổng thông tin quy hoạch trên địa bàn tỉnh để mọi doanh nghiệp, người dân biết, thực hiện. Bằng nhiều nguồn lực (ngân sách Trung ương, địa phương, mời gọi đầu tư,…) để đầu tư đồng bộ hạ tầng (giao thông, cấp điện, cấp nước,...),  tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư được triển khai và hoạt động thông suốt. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực từ phổ thông cho đến đào tạo nghề nghiệp, nhân lực đáp ứng nhu cầu của các dự án nói riêng và nhu cầu phát triển của tỉnh nói chung.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức thích hợp. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành (Vietnam Business Forum)