09:14:08 | 30/12/2024
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, Bến Tre xác định phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng khác trở thành những ngành chủ lực.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp (DN) của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh. Trên cơ sở Chương trình số 08-CTr/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3707/KH-UBND nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như trong quá trình triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Theo đó, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 2,29%/năm, chiếm 9,13% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 6,70%/năm, chiếm 27,78% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 0,39%/năm, chiếm 13,48% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 10,30%/năm, chiếm 5,56% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 2,85%/năm, chiếm 9,13% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Đối với ngành năng lượng, các dự án năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió, mặt trời) đang thu hút sự quan tâm đầu tư của các DN. Hiện Bến Tre được phê duyệt thực hiện 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW, bao gồm 10/19 dự án đang triển khai các thủ tục pháp lý, 09/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tuabin với công suất khoảng 365,9MW.
Ngoài ra, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp (CCN) và triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các CCN và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đến nay, có 07 CCN được thành lập, với tổng diện tích 267,94ha, 06 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 249,4ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 177,89ha, đã cho thuê 65,60ha. Có 03 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động với 22 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.020,521 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.453 lao động.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tới năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, Bến Tre xác định phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Song song với đó, tỉnh dồn sức phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa; công nghiệp hỗ trợ; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến thực phẩm,... Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải, sinh khối đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thời gian tới, Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện các nội dung phát triển hạ tầng năng lượng trong quy hoạch điện lực tỉnh. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án năng lượng, kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)