11:00:01 | 13/6/2014
Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200 nghìn doanh nghiệp là có website. Trong đó, khoảng 40% - 45% các website của doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử. Thế nhưng, chỉ có hơn 4.800 website TMĐT là làm đúng thủ tục thông báo/đăng ký, chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với gần 100 nghìn website TMĐT.
Cần quản lý chặt chẽ hơn
Một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh thương mại điện từ là tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia TMĐT vẫn còn rất thấp; nhiều vấn đề phát sinh mới chưa được quản lý tốt như thuế; bảo mật; bảo vệ thông tin cá nhân; hàng cấm, hàng nhái xuất hiện tràn lan; hoạt động lừa đảo ngày càng phức tạp,…
Tình trạng ngang nhiên kinh doanh thương mại điện tử qua các website đã trở nên báo động. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, đã có gần 145 nghìn tên miền website trong đó có trên 85.996 tên miền website TMĐT đang hoạt động, với gần 80.000 website TMĐT cần thanh tra, kiểm tra theo Nghị định số 52. Thế nhưng, chỉ có 2% trong số đó đã đăng ký kinh doanh thương mại điện tử.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một số doanh nghiệp thương mại điện tử. Trong hai tháng 4 và 5/2014, đã có 3 website TMĐT bán hàng bị xử phạt hành chính, liên quan đến hành vi thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho biết, mô hình kinh doanh Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và mở rộng, nhiều loại hình mới như kinh doanh qua mobile, mạng xã hội ra đời, kéo theo nạn hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn lâij cũng theo đó phát triển tràn lan. Những vi phạm ngày càng tinh vi hơn, nhiều trường hợp “lách’ được kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Ngay cả các vấn đề phát sinh như thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra - xử phạt cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cơ quan thực thi hành pháp.
Hoàn thiện chính sách
Trước thực tiễn trên, ngày 11/5/2014 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2014-2020.Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện.
Mục tiêu của Chương trình là xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một trong những nội dung chính của chương trình là xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT. Trong đó, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho TMĐT; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho TMĐT. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Nội dung khác của chương trình là phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT. Trong đó, xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT; xây dựng và duy trì sàn giao dịch TMĐT nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình cũng hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và thế giới; xây dựng các giải pháp để phát triển ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động và phát triển nội dung số cho TMĐT; triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam; xây dựng đồng bộ giải pháp đáp ứng đơn hàng trực tuyến để các doanh nghiệp triển khai ứng dụng; xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đề ra những nội dung về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; hợp tác quốc tế về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển TMĐT;tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước cho doanh nghiệp về TMĐT theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh; xây dựng hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập về TMĐT; xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo TMĐT có nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đối tượng đào tạo.
Hương Ly
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI