10:51:40 | 25/3/2015
Đây là nội dung chính được thảo luận tại “Hội thảo và Giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nội dung số” được tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC), Hiệp hội Game Nhật Bản JOGA và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa tổ chức nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nôi dung số (phần mềm, game, ứng dụng di động, thiết kế đồ họa, phim hoạt hình, truyền hình...).
Phát biểu tại hội thảo, ông Yoshikuni Ohnishi, Tổng Thư ký Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng có những bước phát triển tốt đẹp. Nhật Bản luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa… và công nghệ thông tin. Nhật Bản nối tiếng với khả năng phát triển các loại hình ứng dụng, tiện ích công nghệ thông tin phục vụ đời sống xã hội, đồng thời là thị trường lớn về cung cấp các giải pháp ứng dụng và gia công phần mềm. Đoàn doanh nghiệp mua hàng của Nhật Bản sang Việt Nam lần này gồm 15 doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực phần mềm về nền tảng di động, game online… tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mong muốn được hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vự này. Tổng Thư ký Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) kỳ vọng rằng hai bên sẽ có sự hợp tác bước đầu để cùng hướng tới ngành công nghiệp số mới mang tên “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc là “Hợp tác Việt – Nhật”.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và nâng lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng. Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang có điều kiện thuận lợi nhất để hợp tác, kinh doanh do Nhật Bản có nhiều khuôn khổ, Hiệp định đối tác nhất với Việt Nam. Cùng với các khuôn khổ pháp lý song phương, hiện nay hai nước cũng đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hợp tác 6 nước ASEAN+. Điều này thể hiện quyết tâm của hai Chính phủ trong hỗ trợ việc hợp tác về kinh tế và kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Cục trưởng Bùi Huy Sơn cho biết, hai bên đã tăng cường các hoạt động hợp tác sâu rộng, toàn diện ở cả các cơ quan từ lĩnh vực quản lý nhà nước đến hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp. Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp nội dung và tuyền hình số Nhật Bản tại diễn đàn cho thấy mối quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình công nghệ và dịch vụ mới, các tiềm năng và triển vọng hợp tác mới đang mở ra ngày càng đa dạng, tạo cơ hội cho cả các tập đoàn lớn lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữa các viện nghiên cứu, đào tạo và các cá nhân, chuyên gia của hai nước.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh thêm, Nhật Bản là nước đi trước đã có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ nội dung số và số hóa truyền hình. Cục trưởng rất mong phía Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam triển khai thành công trong lĩnh vực này. Hợp tác và tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam có thể đi trước đón đầu xu thế phát triển và khai thác hiệu quả hơn loại hình dịch vụ mới này.
Đánh giá về tình hình phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay, Cục trưởng Bùi Huy Sơn khẳng định, Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia nổi lên hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực gia công phần mềm và nội dung số. Đây là một ngành hàng xuất khẩu rất được chú trọng phát triển và được sự ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 36 NQ-TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị đánh giá công nghệ thông tin là một trong những nền tảng hết sức quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là một văn bản định hướng xuyên suốt cho chiến lược ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 sẽ đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin.
Ông Yoshikuni Ohnishi đưa ra lời khuyên, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa vào ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Các nước trong khu vực ASEAN khác cũng chạy đua phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam không nên chậm chân.
Trong vai trò xúc tác thương mại giữa Nhật Bản với các nước ASEAN, AJC đã tổ chức Hội chợ phần mềm giải trí (Tokyo Game Show) 2013, thu hút 34 doanh nghiệp từ chín quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có năm doanh nghiệp của Việt Nam. Tham gia Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp phần mềm của các nước ASEAN với 23 doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với các khách hàng tiềm năng, trao đổi thông tin và nắm bắt nhu cầu của nhau. |
Hà Vũ