Tin mừng cho các doanh nghiệp bất động sản

14:05:45 | 15/6/2016

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 06/2014/TT-NHNN nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 36/2014/TT- NHNN. Theo đó, nội dung quan trọng nhất được giới đầu tư quan tâm là việc Ngân hàng Nhà nước cho phép hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150%  lên 200% thay vì 250% như dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giữ nguyên từ 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Những điều chỉnh kịp thời này của NHNN đã góp phần giải tỏa tâm lý cho các doanh nghiệp trong lúc thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Với việc ban hành Thông tư 06/2014/TT-NHNN thì lộ trình thực hiện giới hạn bên trong được giãn hơn hai năm thay vì phải giảm ngay từ 60% xuống 40% như dự thảo trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc NHNN tiến hành sửa đổi và ban hành thông tư kịp thời sẽ giúp mặt bằng lãi suất không bị biến động, tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, đây là cơ sở để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.                    


Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, việc điều chỉnh của NHNN là hoàn toàn hợp lý. Bởi nếu như vẫn giữ nguyên dự thảo như ban đầu bằng việc tăng hệ số rủi ro của thị trường BĐS lên 250% đồng thời hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn và cho vay trung dài hạn xuống 40% thì dòng tiền sẽ bị siết ngay lại. Điều này sẽ tác động mạnh tới tâm lý của giới kinh doanh BĐS, tâm lý dè chừng, án binh để thăm dò thị trường sẽ xuất hiện. Như vậy, tính thanh khoản của thị trường sẽ giảm sút, điều này hoàn toàn không tốt trong giai đoạn này. Với động thái của NHNN đã giải tỏa tâm lý cho thị trường BĐS.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Điều cơ bản vẫn là các doanh nghiệp BĐS sẽ dùng dòng vốn tín dụng như thế nào. Nếu NHNN tăng hệ số rủi ro hay hạ tỷ lệ vốn vay ngắn hạn, trung và dài hạn mà việc quản lý không hiệu quả thì nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS là rất lớn”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đánh giá, quyết định sửa đổi thông tư 36 của NHNN đã phát đi tín hiệu về việc ngân hàng không nên sử dụng quá liều lượng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, siết chặt các hoạt động cho vay BĐS đồng thời hạn chế những rủi ro với tính an toàn của hệ thống. Điểm tích cực trong thông tư sửa đổi lần này đó là việc NHNN đã đưa ra một lộ trình trong việc siết tín dụng, điều này sẽ không gây ra những cú sốc đối với các thành phần tham gia thị trường.

Với một thị trường nhạy cảm với các thông tin về tín dụng như thị trường BĐS, điều cơ bản nhất là cần những hành vi mang tính minh bạch và phù hợp của chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp đang tham gia thị trường. Mặc dù thị trường đã qua giai đoạn khó khăn và đang phát triển ổn định nhưng vẫn còn đó những rủi ro mang tính chất tiềm ẩn như hiện tượng tăng giá trong hai năm qua, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Những dấu hiệu phát triển lệch pha cũng ngày càng thể hiện rõ ràng hơn khi nhiều dự án lớn vẫn tập trung vào một khu vực nhất định.

Theo ông Châu, lộ trình hạ tỷ lệ từ 60% hiện nay xuống còn 40% đến năm 2018 là rất phù hợp, quãng thời gian nay đủ để các doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh hành vi, danh mục đầu tư cho hợp lý với tỷ lệ trên. Với người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cũng yên tâm hơn là từ nay đến cuối năm sẽ không có sự thay đổi nào.

 Nhưng bên cạnh đấy vẫn còn những lo ngại. Theo ông Châu  thì nếu theo lộ trình như thông tư 06 thì có thể trên thị trường sẽ có sự “bắt tay” nhau giữa các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại để thúc đẩy việc vay vốn. Lâu nay, trong các mối quan hệ làm ăn luôn có những điều khá phức tạp, trong đó có những mối quan hệ được gọi là “nhóm thân hữu”. Với những “nhóm” như thế này thì mức độ ưu ái sẽ cao hơn các doanh nghiệp bình thường khác. Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay khiến cho tình trạng tiêu cực có thể nảy sinh.

Lương Tuấn