Chi nhánh Công ty TNHH Kinh doanh VLXD Mạnh Bình Minh: Đầu tư đúng hướng - Gặt hái thành công

12:09:59 | 20/11/2017

Nhiều năm làm việc trong ngành sản xuất và kinh doanh xi măng, anh Đinh Văn Mạnh – Giám đốc CN Công ty TNHH Kinh doanh VLXD Mạnh Bình Minh không chỉ có sự am hiểu về công nghệ mà còn nắm vững tình hình tiêu thụ xi măng trong nước. Nhận thấy nhu cầu sử dụng xi măng tại Hà Giang ngày càng tăng mạnh, trong khi nguồn cung chủ yếu từ nơi khác đến. Làm thế nào để sản xuất xi măng tại Hà Giang mà không phá vỡ quy hoạch phát triển xi măng của Chính phủ? Lời giải cho bài toán này cũng chính là ý tưởng để CN Công ty Kinh doanh VLXD Mạnh Bình Minh hình thành nên dự án nghiền clinker tạo ra sản phẩm xi măng tại chỗ cung cấp cho thị trường địa phương. Để hiểu thêm về cách làm này, Tạp chí Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với anh Đinh Văn Mạnh. Trịnh Trung Long thực hiện.

Đều tạo ra sản phẩm cuối cùng là xi măng, xin anh giải thích sự khác biệt cơ bản giữa nhà máy xi măng với trạm nghiền là như thế nào?


Cơ chế vận hành chung của các nhà máy xi măng hiện nay sử dụng nguyên liệu chính là đá vôi qua lò nung để tạo thành clinker. Sau đó, từ clinker, người ta mới phối trộn phụ liệu tạo ra các dòng sản phẩm xi măng theo nhu cầu của thị trường. Chúng tôi không làm công đoạn tạo ra clinker mà chỉ thực hiện giai đoạn thứ 2, tức là nhập clinker rồi phối trộn nguyên phụ liệu (tỷ lệ khoảng 30%) để tạo ra sản phẩm cuối cùng.



Đâu là lợi thế của Công ty khi thực hiện “sản xuất” theo phương án này?

Tạo ra clinker là công đoạn phức tạp nhất, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, đòi hỏi kỹ thuật cao và tác động tới môi trường nhiều nhất. Chúng tôi không làm giai đoạn này, nên tiết kiệm được nguồn lực đầu tư, thời gian lập và triển khai dự án nhanh hơn

Hiện nay, tổng công suất các nhà máy xi măng trong cả nước đang vượt tổng cầu xã hội, tức là nguồn cung clinker rất dồi dào. Chúng tôi có thể lựa chọn nguồn cung cấp clinker có chất lượng tốt nhất với giá bán phù hợp nhất.

Do tỷ lệ clinker chỉ khoảng 70% khối lượng thành phẩm, việc nhập clinker sẽ tiết giảm 30% khối lượng vận tải so với nhập xi măng thành phẩm. Điều này góp phần làm giảm chi phí vận tải. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu sử dụng phương thức vận tải đường sông hoặc phối hợp kinh doanh thương mại khác để tối ưu chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, vì “sản xuất” tại chỗ nên việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng (nhà phân phối) sẽ kịp thời và tốt hơn.

Anh đánh giá như thế nào về triển vọng của dòng sản phẩm này tại Hà Giang?

Phương án này không còn là ý tưởng nữa, công ty đang vận hành trạm nghiền clinker tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Công suất trạm còn nhỏ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Sản phẩm mang thương hiệu xi măng

Hà Tuyên của Công ty bước đầu được thị trường trong tỉnh chấp nhận. Với hệ thống đại lý ngày càng mở rộng, sản phẩm của Công ty đã có mặt gần hết ở các huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang và mở rộng sang một số địa phương lân cận như Cao Bằng, Lào Cai.

Xi măng Hà Tuyên được sử dụng tại các công trình xây dựng nông thôn mới (làm đường giao thông nông thôn) và nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, Hà Giang có nhiều nhà máy thủy điện đang trong quá trình xây dựng, đây là khách hàng rất tiềm năng của xi măng Hà Tuyên

Với tiềm năng như vậy, Công ty đã lập dự án đầu tư dây chuyền mới với công suất lớn hơn tại Khu công nghiệp Bình Vàng huyện Vị Xuyên

Xin anh cho biết thêm dự án này?

Về cơ bản dự án hoạt động theo nguyên lý như tôi đã trình bày ở trên, tuy nhiên, công suất nhà máy sẽ lớn hơn rất nhiều. Dây chuyền công nghệ được lựa chọn và đầu tư bài bản hơn để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Dự án trạm nghiền xi măng ở KCN Bình Vàng có công suất khoảng 700.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 100 lao động. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện (tài chính, lựa chọn công nghệ, đào tạo cán bộ nhân viên..) để triển khai giai đoạn 1 của dự án.

Vẫn còn những khó khăn nhất định, tuy nhiên với triển vọng của thị trường và quyết tâm của chủ đầu tư, chúng tôi sẽ nỗ lực để cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý III/2018.

Trong quá trình triển khai dự án, anh đánh giá về sự đồng hành chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang

Chúng tôi rất hài lòng với tỉnh. Chúng tôi được tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính, đặc biệt mặt bằng sạch tại Khu công nghiệp Bình Vàng để khởi công xây dựng dự án sớm nhất.

Nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hà Giang, tôi muốn chia sẻ một vài tâm tư. Là một doanh nghiệp xác định kinh doanh làm ăn lâu dài tại địa phương, chúng tôi mong được thường xuyên có các hội nghị tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm của địa phương, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh nghiên cứu tổ chức nhiều các hội chợ giới thiệu để khuyến khích sử dụng các sản phẩm của địa phương nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng.