Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã chính thức ký kết năm 2015 và sẽ đi vào thực thi năm 2018. Với tính toàn diện, chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, Hiệp định có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Để phân tích các tác động của EVFTA đối với tổng thể và các phân ngành kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại&Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo "Tham vấn về các tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam".
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết EVFTA là hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện nhất kể cả thương mại, đầu tư, hàng hoá, dịch vụ, đảm bảo cho các yếu tố của quá trình tái sản xuất. Đây là cũng là hiệp định mang tính khu vực, do đó thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên, thúc đẩy thương mại nội khối và chuỗi cung ứng trong nội bộ các bên tham gia hiệp định. Đặc biệt, EVFTA còn giúp giải quyết các thách thức của thời đại trong đó có các thách thức của Việt Nam thông qua việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa DN tư nhân và DN nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy thể chế thị trường hiện đại. "EVFTA càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện&Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương" - ông Tuyển nhấn mạnh.
Đánh giá về tác động tổng thể của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam, hầu hết các diễn giả có mặt tại Hội thảo đều khẳng định EVFTA sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Cụ thể theo TS.Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA khi được thực thi sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hướng tới mở rộng xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp công nghiệp toàn cầu. "Việt Nam hội tụ những điều kiện tiên quyết để trở thành trung tâm sản xuất mới. Tuy nhiên để có thể giảm thiểu rủi ro và tận dụng hiệu quả các cam kết trong EVFTA, từng đưa vươn lên trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực, Việt Nam cần động lực mới cho cải cách; trong đó không chỉ nhà nước cải cách mà bản thân các DN cũng phải cơ cấu lại. Trong quá trình hội nhập, thành công chỉ được đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục nhận thức được tiềm năng của con người, cải cách thể chế và tăng cường đổi mới" - ông Thành khuyến nghị.
Trên phương diện đánh giá tác động định lượng của EVFTA đến kinh tế Việt Nam, bà Phạm Thị Lan Hương - Chuyên gia trong nước, Dự án EU-MUTRAP cho biết với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì hầu hết các nhóm hàng XK chủ lực đều được cắt giảm thuế. Xét về tổng thể, so với kịch bản không có EVFTA, kết quả mô phỏng cho thấy phúc lợi thu được đối với Việt Nam là 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2030. Đây đều là những con số rất lý tưởng và gia tăng thu nhập quốc dẫn giúp cải thiện tiền lương thực tế cho hầu hết các loại hình lao động với ước tính cao hơn 4-5% so với hiện tại. Những nhân tố đóng góp chính vào lợi ích thu được này gồm: tỷ lệ thương mại trên GDP của Việt Nam tương đối cao nên bất kỳ lợi ích thu được nào đều mang lại tác động đáng kể đến GDP và thu nhập quốc dân; tỷ trọng thương mại của Việt Nam với EU cao hơn so với các đối tác trong FTA ASEAN; tỷ lệ bảo hộ tương đối cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính (như dệt may, da giày và thủy sản) và một số phân ngành kinh tế của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương - Chuyên gia trong nước, Dự án EU-MUTRAP cho biết các phân ngành chính và một số nhóm ngành của Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp từ EVFTA có thể kể đến: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (chế biến thực phẩm, gạo, rau quả); công nghiệp chế biến chế tạo (dệt may, da giày, ô tô) và một số phân ngành dịch vụ (thông tin, giao thông)..."Các tác động này sẽ tích cực hơn nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong nước và dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật đối với việc nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ nước ngoài" - ông Dương nhấn mạnh.
Mỹ Châu