Những danh thắng đất Cần Thơ

14:02:24 | 5/5/2010

Cần Thơ đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước với nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng vùng miền.

Chợ nổi Cái Răng

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km theo hướng Quốc lộ 1A về phía Sóc Trăng. Chợ nổi Cái Răng thường chợ họp đông nhất lúc 8 giờ sáng, đến khi nắng lên cao cao thì thưa dần. Du khách đi chợ nổi thường kết hợp với tham quan vườn trái cây Phong Điền để hiểu được phần nào nét sinh hoạt của miền sông nước.

Bến Ninh Kiều

Nằm ngay ngã ba sông; nơi sông Hậu giáp với sông Cần Thơ. Bến Ninh Kiều ngày nay được mở rộng khang trang với bề ngang 30mét, bờ kè bằng bê tông kéo dài đến nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, bề mặt lát gạch sạch sẽ, có nơi trồng hoa kiểng được chăm sóc chu đáo, nơi đây trở thành công viên ven sông nổi tiếng của thành phố Cần Thơ.

Vườn du lịch Mỹ Khánh

Cách thành phố Cần Thơ khoảng 10km. Từ thành phố Cần Thơ theo quốc lộ 1A đi về phía Sóc Trăng, đến chân cầu Cái Răng rẽ phải, đi thêm khoảng 6km là đến vườn du lịch Mỹ Khánh. Khu vườn rộng hơn 7ha, đang có kế hoạch mở rộng thêm 80ha, trồng hơn 20 loại cây trái, hoa cảnh và nhiều loại động vật như : chim, khỉ, cá sấu, ba ba…

Vườn cò Bằng lăng

Thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt. Đây là một trong những sân chim khá lớn của khu vực Nam Bộ. Nơi đây có hàng vạn cánh cò trú ngụ, làm tổ, sinh sôi nảy nở; có đủ các loại cò :có trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc… Nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Đông nhất là cò ruồi lông trắng, mỏ vàng, giò đen. Giống này nhỏ con, chỉ nặng từ 400-500g, nhưng chiếm đến hơn 80% tổng số đàn có có mặt tại vườn.

Du lịch Phù sa

Nằm trên cồn Ấu, cách bến Ninh Kiều 800m, đi bằng tàu mất 10 phút để vượt qua sông Cần Thơ. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến đây là những bãi bần xanh, chân ngập trong nước,và đặc biệt nơi đây hoàn toàn không có xe máy, từ nơi này qua nơi khác, chỉ có thể đi bộ hoặc đi bằng ghe, xuồng nhỏ.

Đình Bình thủy

Đình Bình Thủy, còn có tên gọi là Long Tuyền Cổ miếu, là một đình thần, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km. Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động.

Chùa Ông (Quảng Triệu Hội quán)

Tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, đối diện Bến Ninh Kiều. Quảng Triệu Hội quán được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến trạm trổ nội điện. Quảng Triệu Hội quán có những ngày lễ chính thu hút rất đông đồng bào người Hoa đến thắp hương cúng lễ.

Chùa Khmer Muniransay

Nằm ở số 36 Đại lộ Hòa Bình – TP. Cần Thơ, Chùa Muniransay xây theo Phật giáo Nam Tông, Chánh điện thờ phật Thích Ca Mâu Ni. Chùa MunirAnsay hiện là trụ sở của Hội đoàn kết sư sãi TP. Cần Thơ. Đây là một ngôi chùa Khmer duy nhất tọa lạc tại trung tâm thành phố Cần Thơ, nơi đây thường xuyên đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Nhà cổ Bình Thủy

Tọa lạc tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Thành phố Cần Thơ. Nhà cổ Bình Thủy có kiến trúc bên ngoài xây theo lối kiến trúc Pháp với nền nhà được nâng cao so với mặt sân hơn 1m, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi, cầu thang kiểu Gotique với 4 bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng. Toàn bộ khuôn viên được bao bọc bởi 1 hàng rào đúc bằng sắt kiên cố được nhập từ Pháp

Chợ cổ Cần Thơ

Còn gọi là chợ Hàng Dương hay " chợ lục tỉnh", nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ này được xây dựng cùng thời với hai ngôi chợ lớn ở Sài Gòn là chợ Bến Thành và chợ Bình Tây. Hiện nay chợ cổ đã được trùng tu khang trang theo kiến trúc ban đầu; chợ nối dài công viên bến Ninh Kiều bên bờ sông Cần Thơ nên càng thêm đẹp và nên thơ.

Thanh Thảo (Tổng hợp)