Cần Thơ: Luôn mở cửa đón nhà đầu tư

11:26:46 | 5/5/2010

Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Võ Thanh Sang Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ về những kế hoạch sắp đến của Cần Thơ trong việc rộng cửa đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cần Thơ vừa được công nhận là đô thị loại I, đây được xem là một mốc quan trọng để Cần Thơ sớm trở thành trung tâm của cả vùng ĐBSCL. Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu của thành phố được hoàn thiện (cầu Cần Thơ thông xe kỹ thuật vào tháng 3 năm 2010, sân bay Cần Thơ trở thành sân bay quốc tế năm 2010,…) Cần Thơ sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Tiến trình thu hút, xúc tiến đầu tư trên địa bàn thành phố thời gian qua đã hỗ trợ thế nào cho hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ của thành phố?

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XI (nhiệm kỳ 2005-2010) đã khẳng định Đảng bộ thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ: “tận dụng mọi cơ hội, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ- nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh của thành phố Cần Thơ.

Trong 3 năm từ 2006-2008 thành phố đã thu hút thêm 38 dự án mới cùng với các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất với tổng vốn đăng ký là 1.118 triệu USD, vốn thực hiện 176,4 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2009, thu hút thêm 19 dự án mới với vốn đăng ký 127,7 triệu USD và 7 dự án mở rộng sản xuất với vốn tăng 45,8 triệu USD. Tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có 187 dự án còn hiệu lực, với tổng đầu tư đăng ký 1.504,5 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện 465,2 triệu USD, đạt tỷ trọng 31% tổng vốn đầu tư đăng ký, có 137 dự án trong tổng số 187 dự án đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 73,3% dự án đăng ký đầu tư. Tính riêng thu hút đầu tư trong nước, trong 3 năm 2006-2008, cấp mới đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp cho 2.420 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký 6.637 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2009, cấp mới ĐKKD cho 710 doanh nghiệp các loại hình, với vốn đăng ký 2.563 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 6/ 2009, thành phố đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 8.539 doanh nghiệp loại hình, tổng vốn đăng k ý 16.672 tỷ đồng.

Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, ba năm qua đã thu hút và cấp giấy phép cho 23 dự án với vốn đăng ký 590,53 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2009, cấp 3 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 206.125 USD. Tính đến cuối tháng 6/2009, trên địa bàn thành phố có 45 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 733 triệu USD, vốn thực hiện 135 triệu USD, chiếm 18,425. Đặc biệt vào tháng 11/2008, thành phố Cần Thơ đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư đối với tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, trong và sau hội nghị đã có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực ký kết bản ghi nhớ, tiếp xúc để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn như: Tổng Công ty đầu tư phát triển khu công nghiệp IDICO, Ngân hàng Đông Á, Công ty Việt Tín, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn, Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia), Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC), Tập đoàn DOT VN Hoa Kỳ (DOT VN, INC), Tập đoàn Tân Tạo, Công ty CP địa ốc Hoàng Quân, Công ty 508- CEINCO 5, Tổng Công ty thép Việt Nam.

Ông có thể nêu những điểm mà các nhà đầu tư cần chú ý khi đầu tư vào hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của thành phố?

Cần Thơ với vai trò là “thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông… Là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”. Vì vậy, các nhà đầu tư cần phải liên hệ với Sở Xây dựng để tìm hiểu về quy hoạch chung xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2025 cũng như liên hệ với Sở Kế hoạch Đầu Tư, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Cần Thơ để được hỗ trợ và nghiên cứu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2009-2010 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nên biết, hiện các dự án được ưu tiên đầu tư vào thành phố là những dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông thủy hải sản, xi măng, thép, sản phẩm cơ khí, thiết bị, linh kiện điện tử, sản phẩm phần mềm, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu mới, dệt may, da giày, hàng tiêu dùng chất lượng cao và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với văn hóa truyền thống và địa bàn sông nước Cửu Long.

Cùng với những chính sách chiến lược của đất nước, Cần Thơ có những kế hoạch nào để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho vùng phát triển, thưa ông?

Trước hết, Cần Thơ sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt về giao thông, giáo dục, y tế, đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (sân bay Trà Nóc, cầu Cần Thơ, cảng Hoàng Diệu, cảng Cái Cui, các đường, tuyến giao thông liên tỉnh, liên quận- huyện, nâng cấp trường đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm, xây dựng mới các trường đại học trong nước, đại học quốc tế,..), kết cấu hạ tầng y tế (xây dựng bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh vin tim mạch, bệnh viện ung bướu, bệnh viện nhi, ..) kết cấu hạ tầng văn hóa xã hội, thể dục thể thao (trung tâm văn hóa Ô Môn, trung tâm văn hóa Tây Đô, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia…).

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách công tác quản lý thuế, thu ngân sách nhà nước theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu và thực hiện công bằng xã hội. Tiếp tục nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế ưu đãi kêu gọi thu hút đầu tư trong phạm vi cho phép bằng nhiều hình thức như: BOT, BT, BTO,…. Thành phố cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu, vận dụng và xúc tiến thành lập sàn giao dịch chứng khoán thành phố và khuyến khích, kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn thành phố đáp ứng nhu cầu vốn cho sự phát triển của thành phố và khu vực ĐBSCL. Nghiên cứu, vận dụng và ban hành cơ chế định giá bất động sản theo thị trường. Phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề cung ứng đội ngũ người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông !

PV