Tĩnh Gia: Chính quyền năng động

14:14:43 | 4/5/2010

Đất Tĩnh Gia rộng nhưng phần lớn là đồi cằn hoặc đầm phá ven biển, muốn làm nông thì đất nông nghiệp không phì nhiêu như Thiệu Hóa hay Yên Định, muốn đánh bắt cá xa bờ thì người dân không phải ai cũng điều kiện để đóng tàu lớn.

Nhưng khi Khu Kinh tế Nghi Sơn được quy hoạch, Tĩnh Gia chuyển mình. Ngay năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức 15,5% (tức là cao gấp rưỡi mức bình quân chung của cả tỉnh). Tuy nhiên, Tĩnh Gia cũng phải đối mặt với áp lực không nhỏ. Ông Đào Trọng Qui, Chủ tịch UBND huyện vừa cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đi giải phóng mặt bằng về, mồ hôi vẫn còn trên trán, ông bảo: "Có lẽ chưa đâu giải phóng mặt bằng lại khó hơn Nghi Sơn".

Giải tỏa đất làm công nghiệp, nhiều hộ gia đình trước đây có hàng hec ta đất đồi (gần như không canh tác được) thì đến giờ được nhận vài tỷ đồng tiền đền bù, họ giàu lên rất nhanh, nhiều rắc rối bắt đầu từ đó. Tệ xây nhà, trồng cây đòi đền bù ở đâu cũng gặp, nhưng ở Tĩnh Gia thì là một phong trào. Nhiều khi đi giải tỏa, đưa xe vào cưỡng chế, cán bộ huyện không cầm lòng được, bao nhiêu tiền của bỏ ra rồi thành hoang phí.

Gần 1400 hộ dân phải giải tỏa, với hơn 9000 hộ bị ảnh hưởng, công tác tuyên truyền cho dân hiểu, dân theo là vấn đề được lãnh đạo huyện quan tâm hàng đầu. Phân chia lô đất tái định cư rồi, lại đưa ô tô xuống đón bà con, cùng lên bốc thăm lô đất mà người dân được hưởng. Cả huyện vào những ngày đó náo nhiệt như có hội, rồi sau đó là hàng loạt vấn đề, trường học, bệnh viện, đường, điện cho các khu tái định cư, vấn đề việc làm cho người lao động. Mặc dù huyện đã thành lập cả Ban giải phóng mặt bằng với hơn một trăm nhân sự, nhưng lăn lộn với công việc, nhiều cán bộ và ngay cả ông Chủ tịch cũng chỉ ngủ có ba tiếng một ngày. Thế mới biết cái cường độ, sức ép trong giải phóng mặt bằng ở Tĩnh Gia lớn đến mức nào.

Phải làm sao để người dân không bị nghèo đi khi làm công nghiệp đó là cái đích hướng tới của Tĩnh Gia. Tiền đền bù chính là đồng vốn để người dân phát triển kinh tế, cán bộ huyện lại tư vấn cho người dân về việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Từ việc tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn người dân mở các cơ sở sản xuất nhỏ, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, mua phương tiện vận tải tham gia san lấp mặt bằng, đến ngay cả khu tái định cư cũng được xây dựng với rất nhiều ki ốt... việc gì cũng đến tay cán bộ. Mấy anh cán bộ trẻ đi giải phóng mặt bằng về, hóm hỉnh nói với chúng tôi rằng: "Có lẽ tham gia giải phóng mặt bằng sẽ giúp chúng tôi trở thành những chuyên gia tâm lý"

Quản lý gần 40 km quốc lộ 1A, 40 km bờ biển, ba ngàn tàu thuyền với cả vạn lao động nghề biển, ba xã miền núi, hàng trăm trường học... Những con số này cho thấy một khối lượng công việc khổng lồ tại Tĩnh Gia. Thử thách còn nhân đôi khi huyện đặt mục tiêu phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hậu giải phóng mặt bằng. Và thắng lợi của ý chí quyết tâm, sự năng động của chính quyền địa phương đã được khẳng định qua những kết quả mà Tĩnh Gia từng ngày đạt được.

Hoàng Hải