Nghi Sơn - Thế đứng và tầm nhìn

12:38:19 | 4/5/2010

Hơn ba năm kể từ ngày Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn - Trung tâm của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Đến giờ Nghi Sơn đang trong những ngày cuối của việc giải phóng mặt bằng.

Chúng tôi đến Nghi Sơn một buổi sáng đầu năm, cả Khu kinh tế như một công trường lớn, những quả núi được bạt xuống, phân nửa một huyện Tĩnh Gia phải di dời cho một đại dự án. Một không khí làm việc hối hả, gấp rút. Các dự án lớn như Lọc Hóa Dầu, luyên kim, xi măng, ... đều đã giải phóng mặt bằng xong từ 80 tới 90%, được biết chỉ sau tết Âm lịch thì Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ nhập máy móc về lắp ráp chuẩn bị cho sản xuất. Bên kia Quốc lộ 1A những lô đất dành cho tái định cư, những cao ốc, chung cư văn phòng đang được xây dựng và trong khuôn viên đô thị công nghiệp này sẽ hình thành nên cả một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từng tâm sự với chúng tôi rằng: "Thanh Hóa sẽ dành những gì tốt nhất cho Nghi Sơn".

Cũng đã nhiều lần lăn lộn trên các công trường lớn khắp nam bắc, nhiều lần đi điền dã trong giải phóng mặt bằng chúng tôi mới thấy chưa ở đâu khó và phức tạp hơn Nghi Sơn - Tĩnh Gia. Cứ nhìn khối lượng mặt bằng phải giải phóng lên tới 18.611ha (lớn gấp đôi diện tích giải phóng mặt bằng của Bình Dương trong thời điểm 2006 -2007); số hộ phải di dời và chịu ảnh hưởng lên tới trên mười ngàn hộ. Cũng xin nhấn mạnh rằng tới thời điểm này, Thanh Hóa là địa phương duy nhất trong cả nước phải di dời cả một nửa huyện cho sự phát triển của một khu kinh tế. Người dân thì không dễ dàng gì rời bỏ đất mà ông bà tổ tiên đã từng sinh cơ lập nghiệp, dù đất ấy đầy những khó khăn của nghề nông trên đất đồi cằn.

Nhưng Thanh Hóa đang làm, làm cho được, bởi đây chính là động lực của sự tăng trưởng. Cứ nhẩm tính năm 2009, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt vào khoảng 2.500 tỷ đồng, thì khi đi vào hoạt động Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ đóng góp ngân sách số tiền lớn gấp ba lần. Ngay trong thời điểm này, tại Nghi Sơn đã thu hút được 33 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới trên 8,5 tỷ USD.

Không chỉ có vậy, vùng vệ tinh của Nghi Sơn với các huyện như Nông Cống, phân nửa còn lại của Tĩnh Gia, Như Thanh, Như Xuân (và cả vùng Bắc Nghệ An như thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu) sẽ có thêm những động lực mới, ngay cả ngành nông nghiệp cũng sẽ biến chuyển căn bản nhằm đáp ứng nhu cầu của khu kinh tế Nghi Sơn.

Thế đứng của Khu kinh tế này đã phản ánh kỳ vọng Thanh Hóa, đó cũng là nơi mà lãnh đạo tỉnh thể hiện quan điểm làm mới mình, năng động và tiên phong hơn. Lý do rất đơn giản Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước cùng Chính phủ xây dựng một Khu Kinh tế mang tính liên vùng và tầm cỡ quốc gia. Hạt nhân của Nghi Sơn chính là bộ tứ: Cảng nước sâu (đủ sức đón tàu trọng tại 50 ngàn tấn); Trung tâm Nhiệt Điện Nghi Sơn; Khu Lọc Hóa Dầu (do Vương quốc Cô Oét cung ứng nguồn nguyên liệu); Nhà máy Thép và những Nhà máy xi măng như Nghi Sơn, Công Thanh. Như vậy có thể nói Nghi Sơn là một quần thể hội đủ những tính năng của một đô thị công nghiệp hàng đầu của miền Trung.

Đáp ứng được những tiêu chí của Khu kinh tế Nghi Sơn không thể không năng động, không thể không quyết liệt. Một Nghi Sơn với Thế đứng - Tầm nhìn như vậy sẽ tạo nên bước chuyển căn bản trong tư duy kinh tế của người dân Bắc Miền Trung. Đó cũng là điều mà Thanh Hóa đang có, đang làm và phải dứt khoát làm cho được.

Phan Quang - Hoàng Hải