PCI và những nỗ lực của Thanh Hoá

09:52:37 | 4/5/2010

Cuối năm 2008, Chỉ số PCI của Thanh Hóa xếp vào nhóm trung bình thấp (46,22điểm), đứng thứ 50 trong bảng xếp hạng. Nhưng ngày 14/1/2010 khi chỉ số PCI năm 2009 được công bố, Thanh Hóa vượt 13 bậc trong bảng chỉ số. Điều gì đã tạo nên “bước nhảy” ngoạn mục này ?

Thanh Hóa cách Hà Nội 120km về hướng Nam. Khoảng cách này không đủ gần để trở thành vệ tinh của trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, cũng không đủ xa để Thanh Hóa trở thành một trung tâm kinh tế vùng giống như Đà Nẵng. Trong khi đó nhà đầu tư đến từ EU, Nhật Bản hay Bắc Mỹ thường lựa chọn Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc vùng vệ tinh (với bán kính 50km) làm điểm đến.

Nền kinh tế Thanh Hóa lại bắt đầu từ điểm xuất phát điểm thấp. Thanh Hóa có tới 7/62 huyện thuộc diện những địa phương nghèo nhất cả nước. Những phức tạp về mặt địa hình, diện tích đất tự nhiên rộng (trên 11 ngàn km2), đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư căn bản lớn và liên tục. Nếu coi cả tỉnh là một doanh nghiệp, thì Thanh Hóa chưa hấp dẫn các đối tác của mình một phần là bởi "doanh nghiệp Thanh Hóa” đang trong giai đoạn đầu tư cơ bản. Mỗi năm Trung ương vẫn hỗ trợ tỉnh hàng ngàn tỷ đồng (riêng năm 2009 là trên 7 ngàn tỷ đồng). Kỳ vọng đang được hướng về những việc làm thực tế của chính quyền tỉnh và cả sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn.

Nhìn nhận một cách khách quan, thì những hạn chế của quá khứ đã làm giảm sự hấp dẫn của Thanh Hóa trong thu hút đầu tư. Tính đến thời điểm cuối năm 2009, tỉnh mới xây dựng xong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tới năm 2015 và tầm nhìn tới năm 2020, Quy hoạch chi tiết sử dụng đất chưa có... Những điều này ảnh hưởng trực tiếp định hướng đầu tư của doanh nghiệp. Quá trình cải cách thủ tục hành chính tại Thanh Hóa đang được đẩy mạnh nhưng chưa theo kịp được yêu cầu của người dân, của doanh nghiệp. Hiện tại chỉ có thành phố Thanh Hóa có đủ tiềm lực về tài chính và con người để ứng dụng công nghệ tin học trong cải cách hành chính theo cơ chế một cửa. Ngay với vấn đề người lao động có tay nghề, thì Thanh Hóa cũng gặp phải cái khó đó là tâm lý ưa những công việc mang tính chất hành chính. Điều này dẫn tới hệ quả là tỉnh không kịp cung ứng lao động có kỹ thuật cho nhu cầu của nền kinh tế.

Khắc phục những nhược điểm đó, Thanh Hóa tìm lời giải cho từng vấn đề mà cốt lõi chính là tứ giác: sự năng động - hay khả năng làm mới mình của lãnh đạo tỉnh; cơ sở hạ tầng với những tọa độ đầu tư trọng điểm; doanh nghiệp - nhân vật trung tâm của sự tăng trưởng; cải cách hành chính và minh bạch trong thông tin. Xác định rõ những việc cần làm, Thanh Hóa đã bứt phá. Năm 2009, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa đạt 57,32 điểm (xếp hạng 39), Thanh Hóa đang năng động hơn và có một môi trường đầu tư tốt hơn.

Phan Quang