16:30:09 | 29/4/2010
Nằm trên trục nối liền các "điểm đến" đầy hấp dẫn, các tỉnh thành miền Trung đã và đang tạo nên một bức tranh sôi động của Việt Nam. Riêng với Khánh Hòa, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội luôn phát triển và đạt được những thành quả đáng kể. Phóng viên tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ôngVõ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Xin ông vui lòng giới thiệu đôi nét về những thành quả mà tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong những năm gần đây? Ba khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa bao gồm vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh đã phát huy vai trò như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Mang trong mình nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng cùng những nỗ lực, cố gắng phấn đấu trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở ngành, doanh nghiệp cùng toàn thể người dân trong tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như lạm phát vào những tháng cuối năm 2008 và suy giảm kinh tế vào những tháng đầu năm 2009. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa luôn phát triển và đạt được những thành quả đáng kể: Tốc độ tăng trưởng (GDP) của tỉnh luôn tăng cao và ổn định (bình quân tăng trên 10%). Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng và đạt giá trị cao (nằm trong nhóm các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao của cả nước). Thu ngân sách nhà nước tăng cao qua các năm, có đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương, năm 2008 thu ngân sách nhà nước tỉnh Khánh Hòa đã vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2009 sẽ đạt ngưỡng 6.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp, xây dựng – dịch vụ, du lịch – nông, lâm, thủy sản. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, công tác cải cách hành chính ngày càng được khắc phục những tồn tại đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tình hình văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh luôn phát triển ổn định, tỉnh đã quan tâm triển khai công tác giáo dục, y tế, lao động,… để đảm bảo cuộc sống người dân, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, 3 vùng kinh tế: Nha Trang, Cam Ranh – Cam Lâm, Vân Phong đã phát huy vai trò là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, là trung tâm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án lớn trong khu vực đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở huy động vốn đầu tư cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch hình thành và phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là khu vực thành phố Nha Trang, khu vực Cam Ranh – Cam Lâm và khu vực Khu kinh tế Vân Phong.
Được biết Khánh Hoà đang chủ trương phấn đấu sau năm 2010 sẽ chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?
Dự kiến đến năm 2010 cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp, xây dựng – dịch vụ, du lịch – nông, lâm, thủy sản, tuy nhiên trong đó cơ cấu dịch vụ, du lịch đã gần tương đương với cơ cấu công nghiệp, xây dựng. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh định hướng chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và hiện đại: dịch vụ, du lịch – công nghiệp, xây dựng – nông, lâm, thủy sản.
Để thực hiện theo định hướng đề ra trong những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn, chú trọng phát triển những ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, đồng thời mở rộng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ (đặc biệt ở Khu kinh tế Vân Phong). Bên cạnh đó định hướng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện như: hệ thống khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, hệ thống các khách sạn hiện đại, hệ thống các dịch vụ về mua sắm, nghỉ dưỡng, vận chuyển (về đường không, đường thủy, đường bộ). Đồng thời phát triển ổn định các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Ông có thể cho biết, từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, Khánh Hòa đã đề ra cho mình những kế hoạch cũng như mục tiêu phát triển như thế nào để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư?
Trong công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch trong thời gian tới nội dung quan trọng là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, tỉnh đã có chủ trương thực hiện rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 (Quyết định 251/2006/QĐ-TTg).
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra, một số quy hoạch xây dựng cần quan tâm thực hiện và triển khai trong thời gian tới: điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nha Trang đến năm 2025 (đang lập quy hoạch); điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong (đang lập quy hoạch); triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (quy hoạch đã được duyệt); triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị phía Tây thành phố Nha Trang (quy hoạch đã được duyệt). Đồng thời tiến hành triển khai đồng bộ quy hoạch xây dựng đô thị khác đã được duyệt trên địa bàn tỉnh.
Thái Hoàng- Quốc Việt
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI