Thường Xuân: Tìm hướng thoát nghèo

11:22:49 | 4/5/2010

Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thường Xuân là 45%. Điều đó có nghĩa rằng ngoại trừ cán bộ viên chức đa phần người dân trong huyện thuộc diện hộ nghèo. Đây là thách thức lớn đặt ra cho lãnh đạo huyện.


Phó chủ tịch Cầm Bá Xuân - Chủ tịch huyện Thường Xuân bắt tay đồng chí Nông Đức Mạnh

Thường Xuân có diện tích lớn nhất tỉnh (trên 1105 km2), tài nguyên khoáng sản không có, địa hình lại bị sông suối chia cắt mạnh, đòi hỏi số một nguồn đầu tư lớn. Không những thế, Thường Xuân có tới 8 xã vùng cao trong diện 135 đặc biệt khó khăn, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 2 xã chưa có điện lưới và đường nhựa vào trung tâm. 90% diện tích toàn huyện là đất rừng, nhưng rừng đặc dụng lại chiếm tới 78%, phần còn lại là rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Không còn thế mạnh về kinh tế rừng, Thường Xuân không đủ khả năng tổ chức sản xuất trên quy mô lớn cho kinh tế nông, lâm nghiệp, do vậy không có một doanh nghiệp cỡ lớn nào về Thường Xuân đầu tư.

Huyện đang nỗ lực thi công các công trình xây dựng cơ bản theo các chương trình, dự án đã được phê duyệt, mà trọng tâm vẫn là chương trình 135. Với chương trình này, Thương Xuân đã khởi công xây dựng 5 công trình như: đập Hón Dưn xã Bát Mọt; đập Hón Căng xã Yên Nhân; đường Bàn Tạn xã Xuân Lẹ; đường Làng Giang xã Xuân Chinh; đường Chiềng Kha xã Luân Khê với số vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng. Chương trình 20 cũng đã khởi công xây dựng 10 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Mấy chục tỷ cho Thường Xuân là không đủ, trong khi đó huyện vẫn chỉ là một huyện nghèo, cơ sở hạ tầng cho nông thôn chưa có. Vậy giải pháp nào cho Thường Xuân thoát nghèo?

Ông Cầm Bá Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Về mặt chiến lược, Thường Xuân nằm trên đường Hồ Chí Minh, có quốc lộ 15A và tỉnh lộ 507 đi qua địa bàn, và kỳ vọng thoát nghèo còn được nhân lên khi công trình đập Cửa Đạt hoàn thành. Đây là công trình xây dựng hồ chứa nước kết hợp với thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, sức chứa lên tới trên 1,5 tỷ m3 nước, tổng vốn đầu tư trên 5.300 tỷ đồng. Trong đó công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư gần 2.700 tỷ đồng và công trình thủy điện là 1.600 tỷ đồng. Chỉ riêng con đập này đã tạo nên 3 tiềm năng lớn là phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh (di tích lịch sử Cửa Đạt), nuôi trồng thủy sản trên diện tích xấp xỉ 3 nghìn ha mặt hồ, đồng thời tạo dựng sản phẩm công nghiệp điện năng từ chính nhà máy sản xuất điện Cửa Đạt, với công suất 97 MW”.

Xác định được mũi nhọn để bứt phá, nhưng vấn đề kinh phí đầu tư cho các ngành kinh tế này ở Thường Xuân vẫn còn là bài toán nan giải. Việc đầu tiên mà Thường Xuân phải làm là thống nhất thực hiện có hiệu quả phương châm “Phát huy nội lực và tranh thủ sự đầu tư từ bên ngoài” để thu hút nguồn vốn. Đồng thời, huyện chủ động thực hiện tốt các chương trình, giải pháp trọng tâm như: lương thực, xoá đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở, giải quyết việc làm và trồng rừng; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lâm - nông - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Có lẽ để huyện bứt phá thì chỉ dựa vào yếu tố vốn chưa đủ, Thường Xuân cần một tầm nhìn, một định hướng chiến lược trong quy hoạch, cái khó không chỉ mình huyện mà giải quyết thấu đáo. Do vậy, việc triển khai Nghị quyết 30A đang là một động lực cho Thường Xuân kiến tạo những nền tảng cần thiết.

Thái Đạt