11:13:30 | 4/5/2010
Thương hiệu Đông Sơn bắt đầu từ giá trị văn hóa mang niềm tự hào xứ Thanh (trống đồng), cho đến nay là sản phẩm của nghề Đá ốp lát trứ danh trong và ngoài nước và là huyện với lúa thơm nổi tiếng xa gần.
Chế tác chống đồng Đông Sơn
Mở hướng đi mới
Huyện có 252 doanh nghiệp, phần đa tập trung trong các lĩnh vực liên quan tới nghề Đá như đá ốp lát xuất khẩu, vật liệu xây dựng, giá trị xuất khẩu đạt đứng vào top đầu của tỉnh. Nhưng khi có định hướng mở rộng thành phố, thì những ngọn núi đá như Nhồi, Quảng Nạp... được đưa vào diện cấm khai thác.
Doanh nghiệp làm đá bước vào cuộc đua mới, tìm kiếm nguồn nguyên liệu hay ngừng sản xuất? Giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã đến thị trấn Nhồi, cái nôi khởi phát của nghề đá Đông Sơn, cũng là nơi có các doanh nghiệp chủ lực của huyện.
Những doanh nghiệp lớn đã tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới tại các huyện như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh.... hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực xây dựng cơ bản. Nhưng còn khoảng hai trăm doanh nghiệp nhỏ không đủ tiềm lực để di dời hay chuyển đổi, gắn với đó là cuộc sống của hàng ngàn lao động. Ông Bùi Đức Châu, Chủ tịch UBND huyện bộc bạch: "Giải quyết việc làm cho lao động, tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ là một một bài toán nan giải".
Một số doanh nghiệp nhỏ đang được cơ cấu lại để trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, nhưng chủ động mở một hướng đi là cần thiết. Huyện đã quy hoạch bốn Khu công nghiệp Vật liệu xây dựng Vức, Đông Tiến, Đông Lĩnh và Đông Hưng; tỷ lệ lấp đầy đạt 50%; với tổng diện tích 230ha. Cái đích huyện nhắm tới là thu hút đầu tư trong các lĩnh vực may mặc, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, ...khai thác du lịch.
Gần đây, Công ty Pan facefic đã đầu tư tại xã Đông Tiến một nhà máy may mặc trị giá 9 triệu USD, đủ khả năng thu hút 4500 lao động. Những kinh nghiệm trong công tác xúc tiến đầu tư đang được phát huy nhằm đẩy cao tốc độ phát triển của công nghiệp của huyện.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân
Hàng năm lãnh đạo huyện tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cả hai phía chính quyền và doanh nghiệp cùng ngồi gần lại với nhau, giải quyết khó khăn khúc mắc. Cũng chính Đông Sơn mỗi năm vẫn thường phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài Nguyên Môi Trường, Điện lực, VCCI (Chi nhánh Thanh Hóa) tổ chức hai hoặc ba hội nghị xúc tiến đầu tư.
Yêu cầu của sự phát triển buộc Đông Sơn phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính. Quá trình này được huyện khởi động từ bốn năm trước, bộ phận "một cửa" ra đời nhưng thiếu hẳn tính liên thông. Lý do là không có sự thống nhất giữa "một cửa" với các phòng ban. Đến năm 2009, Đông Sơn quyết định phải mạnh tay và triệt để hơn trong xây dựng cơ chế một cửa liên thông.
Mặc dù mô hình “một cửa" ở Đông Sơn chưa ứng dụng công nghệ tin học như tại thành phố, nhưng khi lãnh đạo huyện trao trách nhiệm vào tay những con người trẻ tuổi và có tâm thế cải cách thì tính liên thông được thể hiện rõ nét. Họ gồm năm người, đều tốt nghiệp Đại học chuyên ngành, làm việc với trách nhiệm cao nhất. Anh Nguyễn Hồng Quang, một cán bộ làm việc ở bộ phận “một cửa” tâm sự: "Năm tháng vận hành cơ chế một cửa liên thông, dù công việc bề bộn nhưng chúng tôi chưa nhận được bất cứ một lời than phiền nào từ phía người dân, doanh nghiệp". Anh Quang còn khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn đủ sức đảm đương việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và việc này sớm muộn Đông Sơn cũng sẽ làm".
Với năng lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác cải cách hành chính và một chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp chính là nền tảng để Đông Sơn thu hút đầu tư tốt hơn.
Phan Quang
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI