Nỗ lực cải thiện chất lượng nhân lực

10:01:37 | 4/5/2010

Bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 cho thấy chỉ số thành phần đào tạo lao động của tỉnh Thanh Hoá chỉ đạt 2,45/10 điểm, đứng thứ 62/64 tỉnh thành. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những hạn chế của tỉnh là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về lao động qua đào tạo và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Đòi hỏi bức thiết

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đạt bình quân 10% năm (giai đoạn 2006 -2008), mỗi năm tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp được thành lập. Khu Kinh tế Nghi Sơn đang trong giai đoạn nước rút của việc giải phóng mặt bằng, hàng chục dự án đã và đang đầu tư vào đây.

Dự báo đến năm 2015, tỉnh cần thêm khoảng 140.000 lao động kỹ thuật, riêng các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đến năm 2015 cần khoảng 80.000 lao động. Trong khi đó hệ thống trường nghề của tỉnh lại chưa thực sự thu hút người lao động. Điều này đi tới một hệ quả tất yếu là trong khi lao động của tỉnh đi khắp nơi kiếm việc (ly nông đồng nghĩa với ly hương) thì chính doanh nghiệp trong tỉnh lại phải "nhập khẩu" lao động có trình độ chuyên môn từ các tỉnh bên ngoài. Ông Ngô Xuân Nhân - Phó Giám đốc chi nhánh VCCI tại Thanh Hóa cho rằng: "Yêu cầu lao động được đào tạo đang trở nên bức thiết tại Thanh Hóa"

Một ví dụ để minh chứng đó là năm 2009, tỉnh có 1220 doanh nghiệp được thành lập, điều đó đồng nghĩa với việc tỉnh phải có thêm hàng ngàn kế toán viên ra trường nhằm đáp ứng cho những doanh nghiệp này. Nhưng hệ thống trường nghề của tỉnh đã không kịp đáp ứng.

Một trong những khó khăn nữa của công tác đào tạo nghề của Thanh Hóa đó chính là tâm lý người lao động. Người lao động thường chọn nghề hành chính sự nghiệp chứ không cần chọn nghề mà doanh nghiệp cần. Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 15.000 học sinh thi đỗ vào đại học và cao đẳng, nhưng hàng năm Thanh Hóa cũng cần hàng chục thậm chí cả trăm ngàn lao động kỹ thuật vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.

Gắn kết cơ sở đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVI đã quyết nghị Phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 chương trình trọng tâm trong thời kỳ 2006 - 2010. Công tác dạy nghề đã thực sự được quan tâm, hàng chục tỷ đồng được tỉnh đầu tư cho hoạt động dạy nghề.

Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” giai đoạn 2006-2009, Thanh Hóa đã đầu tư 76,57 tỷ đồng hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh có 86 cơ sở đào tạo nghề, cung ứng cho thị trường khoảng 50 nghìn lao động/năm. Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 36,35% trong năm 2009 (năm 2006 là 29%). Mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ là 45%. Việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo được gắn trực tiếp với các ngành nghề có nhu cầu lớn như hóa dầu, xây dựng, khai khoáng, sản xuất VLXD, luyện kim, cơ khí chế tạo, điện, chế biến nông, lâm thuỷ sản...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Chúng tôi đã và đang nỗ lực tiến hành việc kết hợp cơ sở đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, gắn nhịp cầu nối với trường nghề". Tỉnh đã có một số chính sách khuyến khích dạy nghề cho người nghèo, từng bước tạo thêm những công việc mới cho các đối tượng này, đồng thời tích cực đầu tư phát triển mạnh về mạng lưới, quy mô và chất lượng đào tạo của các trường nghề. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp như Vinaxuki và cả Khu kinh tế Nghi Sơn,… cũng đã chủ động tìm đến các cơ sở đào tạo nghề. Sự chủ động này đã mở hướng cho hệ thống trường nghề của tỉnh: Đào tạo những nghề mà doanh nghiệp cần và doanh nghiệp không mất công đào tạo lại.

Song song với các hoạt động này, tỉnh đang tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác về giáo dục đào tạo để mở rộng quy mô loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lực lượng công nhân lành nghề và cán bộ quản lý có trình độ cao. Đặc biệt là phát triển mạnh loại hình trường dân lập, tư thục để thu hút đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Khi chỉ số PCI năm 2009 được công bố, chỉ số thành phần đào tạo lao động của tỉnh đã vượt lên đứng thứ 39/63, thành công này có được từ tư duy đào tạo phục vụ doanh nghiệp đang được khởi động tại Thanh Hóa.

Hoàng Hải