Huyện Vĩnh Lộc: Đột phá từ công nghiệp - TTCN

11:32:53 | 4/5/2010

Với các dãy núi đá vôi tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Ninh, Vĩnh Minh, Vĩnh An (chỉ riêng khu vực xã Vĩnh Minh, trữ lượng đá của khu vực là 50,85 triệu m3), Vĩnh Lộc có tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.

Nắm bắt cơ hội từ sự phát triển của nghề đá Thanh Hóa, sự chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp, huyện đã xây dựng các nghị quyết, chuyên đề, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng.

Từ lời mời của huyện, nhiều doanh nghiệp từ Thành phố, Đông Sơn, ... đã tìm đến Vĩnh Lộc. Công nghiệp mà ở đây là công nghiệp vật liệu xây dựng đang trở thành nghành kinh tế mũi nhọn tại Vĩnh Lộc, đóng góp quan trọng cho việc nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN. Nếu năm 2006 giá trị sản xuất CN-TTCN chỉ đạt 31,505 tỷ đồng, thì đến năm 2008 con số đó đã đạt tới 56,775 tỷ đồng. Sản phẩm CN-TTCN của Vĩnh Lộc đã vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nhất là các sản phẩm đá ốp lát, đá mỹ nghệ. Nhờ đó, giá trị hàng hoá xuất khẩu cũng liên tục tăng lên năm sau cao hơn năm trước. Năm 2006, giá trị xuất khẩu toàn huyện là 215.000 USD, năm 2008 ước đạt 300.000 USD.

Vĩnh Lộc ưu tiên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm TTCN, du lịch, du nhập nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện phát triển các ngành chế biến nông-lâm-thuỷ sản, dược liệu; sản xuất nguyên liệu, vật liệu, xử lý phế liệu phục vụ sản xuất TTCN; các nghề thủ công gồm: dệt, thêu, gốm, sứ, thuỷ tinh, mây, tre, luồng, nứa, gỗ...; sản xuất phụ tùng, cơ khí; du lịch... Bên cạnh những ưu đãi tốt nhất về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, mỗi năm, huyện còn dành trên 50 triệu đồng phục vụ cho hoạt động tìm kiếm thị trường, du nhập nghề mới... Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế, Vĩnh Lộc hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư vào huyện để đầu tư, ahợp tác cùng phát triển.

Nghệ Văn