Thị xã Bỉm Sơn - Trọng điểm công nghiệp

13:42:54 | 4/5/2010

Nhờ nguồn nguyên liệu đá và đất sét dồi dào, thị xã Bỉm Sơn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng và trở thành địa phương trọng điểm công nghiệp của Thanh Hoá…

Những năm gần đây, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp thị xã liên tục tăng cao. Trong đó sản xuất vật liệu xây dựng vẫn được xem là mũi nhọn cho phát triển công nghiệp của thị xã. Đây là lĩnh vực công nghiệp truyền thống, với hệ thống các nhà máy sản xuất lớn sớm được hình thành như nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy gạch Tuynel của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn, Viglacera, nhà máy gạch Lam Sơn,… Các dự án này đều đang hoạt động ổn định và phát triển tốt, chất lượng sản phẩm đều được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Cũng nhờ vậy mà thương hiệu Bỉm Sơn đã trở nên nổi tiếng, khẳng định vị thế của một thị xã mạnh về công nghiệp trong cả nước.

Trong tương lai thị xã sẽ tạo bước đột phá trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí. Trước mắt Bỉm Sơn sẽ chủ động phối hợp và tạo điều kiện để Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô nhẹ và ô tô chuyên dụng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy vệ tinh sản xuất phụ tùng ô tô, sản xuất và cán kéo thép hình có chất lượng phục vụ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ô tô. Thị xã cũng sẽ tiếp tục cho phép mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, công suất của nhà máy chế tạo kết cấu thép; chủ động nắm bắt thị trường vận tải để đầu tư các cơ sở cơ khí chế tạo máy công cụ cỡ nhỏ và sửa chữa ô tô các loại đủ điều kiện phục vụ cho cả khu vực.

Phát triển công nghiệp nghẹ và công nghiệp chế biến cũng được coi trọng, theo đó thị xã đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này theo hướng đầu tư vào các ngành thu hút được nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Kèm theo đó là phát triển các cơ sở sản xuất bao bì PP và sản xuất giấy bao bì đóng gói sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và nhu cầu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bỉm Sơn cũng tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển hàng sơn mài mỹ nghệ xuất khẩu, hàng mây tre đan, đồ mộc dân dụng,… tạo cơ chế, môi trường thông thoáng để tiêu thụ sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Bỉm Sơn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 3224/QĐ-UBND ngày 21/09/2009, Bỉm Sơn sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 là 18,1%, trong đó công nghiệp - xây dựng là 17%. Cơ cấu kinh tế được ưu tiên cho phát triển công nghiệp, và ngành công nghiệp sẽ chiếm tỷ trọng cao với 68,6% năm 2015 và 64,3% năm 2020. Đây là những cơ sở quan trọng cho Bỉm Sơn trong việc chủ động xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện thành công các mục tiêu này, từng bước đưa thị xã trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, văn minh.

Nghệ Văn - Phương Thúy