14:00:08 | 4/5/2010
Nằm trong quần thể của vùng kinh tế Nam Thanh – Bắc Nghệ, Nông Cống đang khẩn trương tận dụng các lợi thế về tài nguyên khoáng sản, giao thông, cùng các tiềm lực khác để đưa kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập nhanh chóng với các địa phương khác trong vùng.
Nông Cống được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và có giá trị như: quặng Crom, sắt, secpentin, đá ba zan, đá vôi, đá silic, đất sét,… Vị thế của Nông Cống trong vùng cũng được xem là thế mạnh cho huyện trong việc tạo “hấp lực” trong thu hút đầu tư. Một mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ, nhất là vị thế của trục quốc lộ 45, nơi kết nối các đô thị Yên Thái, thị trấn Nông Cống, Bến Sung, Yên Cát với quốc lộ 48 xuyên qua Quế Phong - Nghệ An đã tạo cho Nông Cống một vị thế quan trọng trong phát triển. Lợi thế này đang được Nông Cống khai thác hợp lý và có trọng tâm, nhờ vậy mà huyện đã thu hút được một lượng lớn các dự án đầu tư vào đây.
Các giải pháp đồng bộ nhằm tạo “hấp lực” riêng đã được Nông Cống đề ra và nghiêm túc thực hiện. Trong đó, việc ưu tiên số một là cải cách hành chính nhằm tạo ra các chính sách, cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thu hút đầu tư lành mạnh, thiết thực và hiệu quả. Theo đó, huyện xác lập trên cơ sở các quy hoạch của vùng, quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa, quy hoạch của ngành từ đó chỉ đạo lập quy hoạch chung điều chỉnh, quy hoạch chi tiết các ngành như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và các khu dân cư. Riêng về công nghiệp, Nông Cống xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, phân bón, với các sản phẩm chính là xi măng, gạch, phụ gia xi măng, phân lân, NPK, quặng sắt, crom cụ thể. Với vấn đề này, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp Hoàng Sơn với diện tích gần 10 ha, hoàn thành báo cáo khảo sát, thăm dò tài nguyên thiên nhiên, xây dựng nhà máy xi măng với công suất 1,5 triệu tấn/năm… tạo tiền đề cho các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng và đưa vào sản xuất. Không chỉ vậy, Nông Cống còn chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp phụ trợ làm vệ tinh cho khu công nghiệp Nghi Sơn bằng việc tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính, gồm: Tạo dựng môi trường đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển hạ tầng cơ sở và liên kết doanh nghiệp.
Nông Cống ưu tiên cho các lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là nâng cấp quốc lộ 45, các tuyến tỉnh lộ 505, 506, 525, 512 để kết nối du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử; tập trung phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng, cải tạo nâng cấp các hồ đập trong khu vực, khôi phục và duy trì làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử như: Chùa Vĩnh Thái, khu di tích lịch sử Đền Bà Triệu, Thành Nguyễn Chích và các trung tâm thương mại nối khu công nghiệp với vườn quốc gia Bến En,…
Những giải pháp cơ bản đã được triển khai và bước đầu cho thấy những hiệu quả thiết thực. Việc tạo dựng cơ chế hành chính “một cửa” đã trở thành một động lực mới, tạo nên một tư duy làm việc năng động của chính quyền và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hiện Nông Cống đã có 33/33 xã, thị trấn, các cơ quan hành chính triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả cơ chế “một cửa”, giúp giải quyết các thủ tục nhanh nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Cách làm này đã giúp huyện thu hút được lượng lớn các dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn như: Nhà máy xi măng Hoàng Sơn, nhà máy chế biến phân lân nung chảy, nhà máy chế biến Ferocrom,…
Với các giải pháp đồng bộ để khai thác những lợi thế của địa phương, Nông Cống đang thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư.
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI