Như Xuân - Khai thác lợi thế từ đất lâm nghiệp

13:52:33 | 4/5/2010

Như Xuân có diện tích tự nhiên 71.946 ha, trong đó diện tích rừng các loại và đất lâm nghiệp là 52.614 ha. Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho Như Xuân đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng từ quỹ đất này, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Chủ động xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp theo yêu cầu mới, Như Xuân đã tiến hành lập quy hoạch, rà soát và xác định rõ diện tích của các loại đất rừng nhằm khai thác sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả vừa bảo đảm giữ vững tài nguyên rừng, vừa tận dụng được quỹ đất để phát triển sản xuất. Thực hiện phương châm: bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng mà tập trung là vườn quốc gia Bến Én, quản lý tốt rừng phòng hộ, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng nghèo sang trồng các loại cây kinh tế.

Hiện nay, cùng với việc đảm bảo độ che phủ rừng (62,5%), thì các chính sách hưởng lợi từ công tác chăm sóc bảo vệ rừng cũng được các cấp lãnh đạo huyện quan tâm. Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền huyện, nhân dân Như Xuân đã chủ động trồng được hơn 7 nghìn ha các loại cây công nghiệp, trên 5 nghìn ha keo lấy gỗ, qua đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và giúp nhân dân nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.

Với lợi thế về đất đai màu mỡ, tầng canh tác dày, nhất là khu vực đất Bazan ở phía Tây nam của huyện, Như Xuân đã đề ra chủ trương tập trung mở rộng diện tích phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Việc mạnh dạn đưa cây cao su, mía, sắn, keo lai vào trồng đã từng bước hình thành cho Như Xuân vùng nguyên liệu tập trung khá lớn. Trên địa bàn huyện hiện đã có 3 nghìn ha cao su, trên 2 nghìn ha mía nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy đường Lam Sơn và Nông Cống, 2.500 ha sắn cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu tại địa phương. Đây được xem là hướng phát triển tích cực và các loại cây này được xem là cây xóa đói giảm nghèo đối với nhân dân các dân tộc trong huyện. Không dừng lại ở đó, Như Xuân xác định tầm nhìn từ nay tới năm 2020 phát triển kinh tế lâm nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào việc phát triển keo lấy gỗ và các loại cây công nghiệp này. Trong đó huyện sẽ chú trọng mở rộng diện tích cây cao su, dự kiến trong năm 2010 huyện sẽ phát triển thêm trên 500 ha.

Song song đó, việc xây dựng một chính quyền năng động, cơ chế thông thoáng đã được huyện đặc biệt quan tâm. Các chủ trương, chương trình hành động đã liên tục được triển khai, việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy hành chính và xây dựng hệ thống tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục thông qua “một cửa”, “một cửa liên thông” đang thực sự tạo nên những cú hích cho Như Xuân trong việc triển khai nhanh chóng và có hiệu quả công việc. Như Xuân còn có những cam kết trách nhiệm nhằm tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, thủ tục hành chính trong thời gian nhanh nhất nhằm thu hút các tổ chức, nhà đầu tư vào làm ăn tại địa phương.

Để phát huy các tiềm năng, Như Xuân rất cần được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là việc hỗ trợ cho huyện những nguồn lực về vốn, kinh nghiệm. Nếu có sự hỗ trợ và đầu tư đúng hướng thì việc đẩy mạnh khai thác lợi thế từ đất lâm nghiệp, mở rộng phát triển diện tích các loại cây công nghiệp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

PV