14:10:17 | 5/5/2010
Thành phố Cần Thơ sau 5 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã nổ lực phấn đấu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tạp chí
Sau 5 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, 4 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cần Thơ hôm nay thực sự chuyển động mạnh mẽ, từng bước xứng tầm là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL. Ông nhận định thế nào về sự phát triển này?
Qua 5 năm thành lập (2004-2008), tuy còn nhiều khó khăn nhưng thành phố đã chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn để thành phố chuyển mình vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.
5 năm qua, kinh tế của thành phố phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15,64% so với mức tăng bình quân của toàn vùng là 12,36%, đóng góp 10,9% giá trị GDP toàn vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 83,26%, nông nghiệp - thủy sản còn 16,74%). Cần Thơ cũng đã huy động và phát huy khá tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong 5 năm (2004-2008) đạt 46.330 tỷ đồng, tăng bình quân 34,9%/năm, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư toàn vùng. Công tác kiến thiết, chỉnh trang và quản lý đô thị được chú trọng, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn được đầu tư, góp phần đổi mới diện mạo thành phố. Một số công trình cấp vùng, có sức lan tỏa lớn đã và đang được triển khai, đặc biệt là hệ thống cửa ngõ của vùng đi ra khu vực và quốc tế (cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, hệ thống cảng, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn 2.800 MW...) sẽ là động lực thúc đẩy phát triển cho thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện tốt hơn, giáo dục- đào tạo được ưu tiên đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực.
Thành phố Cần Thơ đã ký hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2010 và các tỉnh vùng ĐBSCL. Những liên kết này đã mang lại những kết quả khả quan nào, thưa ông?
Qua gần ba năm thực hiện, về lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ: có 11 doanh nghiệp với 15 dự án, tổng vốn đầu tư bước đầu dự kiến là 16.700 tỷ đồng; trong đó, có 5 dự án đã triển khai đầu tư có khối lượng; Về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng các khu dân cư, đô thị mới: có 5 doanh nghiệp với 6 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến bước đầu là 2.220 tỷ đồng, tất cả đều đang giai đoạn triển khai đầu tư. Lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác khu công nghiệp: có 1 doanh nghiệp với 1 dự án hiện đang trong giai đoạn triển khai. Các dự án đầu tư trong các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ: tổng số có 27 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Trà Nóc I và Trà Nóc II với tổng vốn đăng ký đầu tư là 113,662 triệu USD. Trong đó, có 19 dự án đang hoạt động, 05 dự án đang xây dựng với vốn thực hiện là 54,3 triệu USD, chiếm 48% tổng vốn đăng ký. Ngoài ra, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào thành phố Cần Thơ năm 2008, cùng với các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp lớn của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định việc tiếp tục thực hiện đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Kết quả đã có 5 doanh nghiệp ký kết Bản ghi nhớ cam kết đầu tư, cụ thể: Tổng Công ty đầu tư phát triển khu công nghiệp IDICO về dự án khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn II với diện tích 1.000 ha. Ngân hàng Đông Á và Công ty Việt Tín về các dự án: xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và khu tái định cư; Trung tâm giao dịch Tài chính - Thương mại; Trung tâm phát triển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn về các dự án: khu khách sạn 5 sao và dịch vụ, trung tâm du lịch lữ hành khu vực. Tập đoàn Tân Tạo về các dự án: tổ hợp khu công nghiệp dịch vụ Thốt Nốt 1.000 ha; Khu công nghệ cao Ô Môn 400 ha; Khu cao ốc văn phòng vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng cao cấp tại trung tâm thành phố Cần Thơ trên diện tích 8 ha. Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân về các dự án: Đại học quốc tế Cần Thơ (diện tích 102 ha, vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng), khu đô thị, trung tâm thương mại, khu dân cư (diện tích 220 ha, vốn đầu tư dự kiến 12.000 tỷ đồng).
Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và đất nước như hiện nay. Để xứng tầm là thành phố trung tâm, động lực của vùng, Cần Thơ đã và đang có những giải pháp nào để góp phần cho sự phát triển kinh tế của toàn vùng, thưa ông?
Mới đây, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 889/QĐ-TTg, công nhận TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đây là một mốc quan trọng tạo đà cho quá trình TP đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Để đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Cần Thơ sẽ có giải pháp đồng bộ, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Như nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sử dụng các nguồn vốn đầu tư tập trung, đúng quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư, khu đô thị tái định cư để bố trí cho các dự án của thành phố và của Trung ương trên địa bàn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm. Thời gian tới, Cần Thơ không chỉ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp mà còn đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy hoạch để thu hút đầu tư.
Song song đó, thành phố cũng sẽ phát triển mạnh dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới.
Đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, thành phố cũng sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá nông sản có chất lượng và hiệu quả cao, với mô hình đa canh bền vững, trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế, cùng với cả nước bước vào năm 2009 nhiều khó khăn, thành phố Cần Thơ vẫn tự tin xây dựng và phát triển để xứng đáng với vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển của vùng ĐBSCL.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Thảo
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI