Thái Bình từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng

14:23:15 | 5/5/2010

Cuối năm 2009, dự án nâng cấp quốc lộ 39 đoạn qua địa phận Thái Bình, góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong khu vực và trong cả nước.

Mạng lưới giao thông đồng bộ

Thái Bình vốn là một tỉnh nông nghiệp lại bị ngăn cách với các tỉnh xung quanh bởi các con sông lớn (sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa) khiến cho hòn đảo xanh này dường như bị “cô lập” trong phát triển kinh tế với xung quanh. Muốn phá thế ngăn sông cách chợ đó, không còn con đường nào khác, Thái Bình chỉ có sự lựa chọn là phải từng bước xây dựng một hệ thống giao thông thủy, bộ hoàn thiện.

Tiền đề cho những bước đi đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh đã phát động phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn với chủ trương huy động đóng góp từ nhân dân, nhà nước hỗ trợ một phần. Phong trào đã thu được nhiều thành công, đưa Thái Bình trở thành địa phương dẫn đầu cả nước tạo cơ sở để tỉnh thực hiện những công trình lớn góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa quê hương. Mở đầu là cầu Triều Dương vượt sông Hóa nối với tỉnh Hưng Yên, không lâu sau đó là tuyến quốc lộ 10 trên địa bàn tỉnh được nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng với 2 cầu Tân Đệ (nối với tỉnh Nam Định), cầu Nghìn (thông sang Hải Phòng). Và hiện đang nâng cấp tuyến quốc lộ 39A (đoạn Đông Hưng nối với cảng biển Diêm Điền), tuyến 39B (về Tiền Hải). Tuyến quốc lộ 10 và 39 này đã tạo thành trục xương sống trong phát triển kinh tế Thái Bình nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, từ đây các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị mới đang được dựng xây, góp phần nâng cao năng lực thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của Thái Bình.

Tận dụng ưu thế ba mặt giáp sông, một mặt trông ra biển lớn, Thái Bình là tỉnh có mạng lưới vận tải thủy, bộ phát triển. Thái Bình hiện có đội tàu biển tư nhân mạnh nhất toàn quốc với khoảng 15.000 tấn phương tiện vận tải sông, 8.300 tấn phương tiện vận tải pha sông biển, 12.000 tấn phương tiện vận tải biển. Cảng Diêm Điền đã được bộ Giai thông vận tải công nhận là cảng biển tổng hợp, đang nâng cấp cho tàu 600 tấn vào cảng, lượng hàng thông qua dự kiến 500.000 tấn/năm. Với lợi thế đó, các chỉ tiêu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và hàng khách Thái Bình đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Đến nay, Thái Bình đã có hơn 100 km quốc lộ, hơn 300 km tỉnh lộ, 500 km huyện lộ; 100% số xã, phường có đường ô tô về trung tâm. Mạng lưới vận tải đáp ứng tốt nhu cầu giao thương nội tỉnh và với cả nước. Tỉnh có hiện nhiều doanh nghiệp vận tải với nhiều loại hình vận tải như: trung chuyển container, xe khách chất lượng cao, xe buýt, taxi phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao lưu kinh tế - văn hóa của địa phương.

Nét mới trong quy hoạch, quản lý xây dựng hạ tầng cơ sở

Các doanh nghiệp tại Thái Bình đều có nhận xét tích cực về công tác quản lý xây dựng, nhất là việc thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa” liên thông trong hoạt động đầu tư của tỉnh. Cơ chế này tập trung giải quyết các thủ tục hành chính về xây dựng, hỗ trợ mặt bằng, đảm bảo thời gian quy định, giúp các nhà đầu tư sớm triển khai thi công, thanh quyết toán công trình. Tính từ năm 2006 đến nay, Sở xây dựng đã thẩm định thiết kế cơ sở 200 công trình, dự án đầu với với tổng mức vốn 2.500 tỷ đồng; thẩm định trên 500 hồ sơ thiết kế, thanh toán với giá trị 1.200 tỷ đồng… Điều này đã góp phần tích cực vào thành công của 7 khu công nghiệp (tổng diện tích 172 ha), 15 cụm công nghiệp (588 ha), 18 điểm công nghiệp làng nghề, đã thu hút trên 300 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng toàn tỉnh.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Thái Bình đang từng bước giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, xây dựng các khu đô thị trong mối quan hệ hài hòa với phát triển nông nghiệp. Cùng với thành phố Thái Bình đạt tiểu chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2004, đến nay, hàng loạt các đô thị mới cũng được phê duyệt như: thị trấn An Bài, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thái Ninh… và sắp tới nâng cấp Diêm Điền, Tiền Hải lên thị xã. Đón chào xu thế này, Thái Bình đã tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết các khu đô thị, tạo cơ sở mời gọi đầu tư và chuẩn bị hệ thống điện, nước… Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước tại các thị trấn trên toàn tỉnh do nguồn vốn ODA của Phần Lan tài trợ. Kết quả bước đầu, là dự án đã triển khai tốt các nhà máy cấp nước tại các thị trấn của 2 huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ. Về mạng lưới điện, không những đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt ở nông thôn và các đô thị mà còn đảm bảo ổn định cho sản xuất, đồng thời sẵn sàng “kéo điện” tới tận chân các công trình của nhà đầu tư.

Thực hiện phương châm “đi trước đón đầu”, trong những năm qua, Thái Bình đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng vững chắc, toàn diện. Qua đó, góp phần cải thiện hình ảnh của tỉnh trong thu hút đầu tư, tạo nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; tạo lập vị thế mở cho Thái Bình trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

PV