Công nghiệp Thái Bình: Nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập

14:37:48 | 5/5/2010

Để có nền công nghiệp hiện đại, việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, đồng thời lựa chọn một số ngành mũi nhọn của tỉnh để thu hút đầu tư, tạo sự phát triển mạnh mẽ cho ngành là hết sức cần thiết. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, ngành công nghiệp Thái Bình đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.

Những năm qua, với nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông, Thái Bình dần thoát khỏi sự cô lập do sông ngòi cách trở, cùng với tâm huyết của những nhà quản lý, trăn trở để tìm hướng đi cho công nghiệp tỉnh nhà… đã tạo thành nguồn lực để công nghiệp Thái Bình ngày một khởi sắc hơn. Những sản phẩm của ngành công nghiệp từng bước khẳng định ưu thế tại trị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại sự sôi động trong bức tranh kinh tế của Thái Bình.

Những thành quả đáng khích lệ

Năm 2008, ngoài ảnh hưởng chung của lạm phát khá cao trong nước, Thái Bình còn gặp không ít khó khăn tác động đến sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp như: ngành chế biến thịt lợn đông lạnh xuất khẩu đầu tháng 5 phải dừng sản xuất vì dịch tai xanh; các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành sứ thủy tinh ở KCN Tiền Hải sản xuất cầm chừng do nguồn khí đốt bị cạn; các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cơ khí, dệt may, nhựa, chế biến nông, thủy sản đứng trước thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất, dẫn đến một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một số dự án của các doanh nghiệp sau thời gian đầu tư đã đi vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đóng góp lớn cho ngành công nghiệp như: nhà máy sợi đay Đacutex, nhà máy sợi Đam San, nhà máy sợi thứ 4 của Tập đoàn Đại Cường, nhà máy lắp ráp ô tô An Thái - Coneco, nhà máy bia Hà Nội (mở rộng công suất), nhà máy chế biến tôm đông lạnh Richbieuty, nhà máy gạch Ceramic - Công ty sứ Tây Sơn, nhà máy thép cán - Công ty thép Thái Bình, 4 nhà máy đóng tàu gồm Thành Long, Đại Dương, Minh Thanh và Nguyễn Văn Tuấn…

Với động thái tích cực này, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua được khó khăn thách thức, tổng giá trị cả năm ước đạt 6.582 tỷ đồng, tăng 26,78% so với năm 2007. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước ước đạt 685,9 tỷ đồng, tăng 22,39%; khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 5.610 tỷ đồng, tăng 26,66%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 286 tỷ đồng, tăng 43,39%. Một số sản phẩm chủ yếu cũng tăng khá cao so với năm 2007 như: sứ vệ sinh các loại tăng 103,5%, sợi xe từ sợi bông tăng 44%, gạch xây tăng 14%, gạch ốp lát ceramic tăng 11,3%...

Hướng tới một nền công nghiệp bền vững

Với quan điểm phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Thái Bình tập trung phát triển công nghiệp khai thác, công nghiệp hóa chất và các sản phẩm hóa chất, công nghiệp dệt may - da giầy - hàng gia dụng, công nghiệp sản xuất gốm sứ, thuỷ tinh, vật liệu xây dựng, công nghiệp điện nước, xây dựng và phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và công nghiệp công nghệ cao.

Đối với công nghiệp chế biến nông sản thực phẩmq quyết đẩy mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thịt lợn và gia cầm, thủy hải sản là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với chế biến. Đặc biệt là phát triển sản xuất đồ uống như: bia, nước hoa quả các loại và nước khoáng... để tăng nguồn thu cho ngân sách. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm: rau quả ngắn ngày, hoa hoè, dưa gang, dưa chuột, ớt, cà chua, khoai tây. Tập trung du nhập các công nghệ hiện đại, đảm bảo hiệu suất cao, chất lượng tốt phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tập quán người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm rau quả, thuỷ sản. Đối với sơ chế có thể bố trí phân tán với nhiều loại quy mô khác nhau, kể cả hộ gia đình; kết hợp phát triển mạng lưới thu mua, bảo quản sau thu hoạch. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm nhằm phát triển bền vững, hiệu quả. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 25% giai đoạn 2006-2010; 11,74% giai đoạn 2011-2015 và 17% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2010 đạt 3.289,2 tỷ đồng; năm 2015 đạt 5.730,8 tỷ đồng; năm 2020 đạt 12.038,2 tỷ đồng.

Đối với công nghiệp công nghệ cao, trước hết sẽ ưu tiên cho các dự án có quy mô lớn, các nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế mạnh. Phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển, có cảng biển, cảng sông để phát triển nhanh mạnh các ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu, chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất lắp ráp xe đạp, xe máy, ô tô, sản xuất tôn thép. Phát triển hợp lý cơ khí phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và cơ khí sản xuất hàng gia dụng, tích cực thu hút các dự án sản xuất thiết bị điện, linh kiện, lắp ráp điện tử, thông tin, viễn thông và các ngành công nghệ cao. Chuyển dịch mạnh để đến giai đoạn 2015-2020 ngành công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 33.05%/năm trong giai đoạn 2006-2010, tăng 35,71%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 31,34%/năm trong giai đoạn 2016-2020, đạt 785,7 tỷ đồng năm 2010; 6.617 tỷ đồng năm 2015 và 12.576 tỷ đồng năm 2020.

Thái Bình đã quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gồm 18 khu công nghiệp, 41 cụm công nghiệp và 31 điểm với tổng diện tích quy hoạch 7.215ha có vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp luôn đảm bảo tính hài hòa, hợp lý nhằm khai thác các điều kiện thuận lợi của sản xuất và thị trường, tiết kiệm đất canh tác. Đưa tỷ lệ đóng góp của khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên 60% vào năm 2010 và trên 70% vào giai đoạn tiếp theo; tăng tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từ 40% đến 50%; giải quyết việc làm khoảng 4 vạn lao động vào năm 2010 và 12 vạn lao động vào năm 2020.

Trung Nguyên