10:00:42 | 27/8/2019
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện đang dẫn đầu các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỷ đô la Mỹ tổng giá trị giao dịch, chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần từ năm 2015 đến 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm gấp 3 lần vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm lên tới 25%.
Tuy nhiên, chỉ có 16% các DNVVN ở Đông Nam Á thực sự tận dụng được các công cụ kỹ thuật số và số lượng DNVVN ở Việt Nam tiếp cận được công cụ này còn thấp hơn. Chính vì vậy, Google và Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0), một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, Chính phủ đã xác định rõ vai trò của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là vô cùng quan trọng. Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực này không chỉ dựa vào hệ thống đào tạo chính quy mà còn dựa vào các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ và đa dạng hóa hình thức đào tạo khác.
"Chúng tôi nhận thức rõ, với quy mô của một nền kinh tế có trên 700.000 doanh nghiệp, cùng với đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, để đào tạo nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi một nỗ lực vô cùng to lớn của nhiều chủ thể cùng tham gia. Chúng ta cần huy động tổng lực nhiều nguồn lực xã hội hóa để đạt được mục tiêu tổng thể, vừa đảm bảo đào tạo được cho số lượng lớn người học, vừa đảm bảo được chất lượng đầu ra cho nhóm này" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Cao Quốc Hưng nhận định, đứng dưới góc độ của người tiêu dùng, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng tiêu dùng, mua sắm mới. Người tiêu dùng Việt Nam đã biết tận dụng tối đa tiện ích của mạng Internet phục vụ cho các hoạt động từ tra cứu thông tin sản phẩm, so sánh giá cả, tìm kiếm người bán uy tín, tra cứu địa chỉ mua hàng cho đến sử dụng các phương tiện thanh toán tiên tiến, v.v… Tất cả nhờ vào Internet, nhờ vào công nghệ, người dân đã có một cuộc sống dễ dàng hơn, tiện ích hơn, thông minh hơn.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2019 của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT B2C của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, đạt 8.06 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt gần 40 triệu người, với mức chi tiêu bình quân khoảng 210 đô la/năm.
Được biết, Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam từ tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các DNVVN, với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, Google cũng công bố chương trình bổ sung để có thể tiếp cận với nhiều doanh nghiệp hơn, đó là xe buýt kỹ thuật số. Hệ thống xe buýt này sẽ đi đến 59 tỉnh, thành của Việt Nam từ tháng 8/2019 đến 12/2020. Chương trình cung cấp khóa đào tạo, giúp các doanh nghiệp, người dân (thậm chí ở những vùng sâu, vùng xa) tiếp cận nhanh chóng, trực quan hơn với kiến thức số. Tại mỗi tỉnh, thành của Việt Nam, xe buýt sẽ có 5 ngày (mỗi ngày 2 buổi) đào tạo với 6 bài học cơ bản về kỹ năng số và kỹ năng mềm hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trong tương lai, việc ứng dụng các công nghệ số đặc biệt các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi về chất của thương mại điện tử, dẫn đến tác động sâu hơn tới diện mạo của hoạt động thương mại và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
Hương Ly
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI