09:45:06 | 15/10/2019
Thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Bình Phước đã phát huy hiệu quả thiết thực, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Hoàng Lâm thực hiện.
So với 13 tỉnh trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (C-L-V), Bình Phước sở hữu những lợi thế phát triển kinh tế đặc thù nào, thưa ông?
Khu vực C-L-V được thành lập năm 1999 và nằm ở khu vực ngã ba biên giới của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam. Phạm vi của tam giác phát triển này bao gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia; Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và tỉnh Bình Phước của Việt Nam.
Có vị trí đặc biệt trong C-L-V, Bình Phước được kết nối với các tỉnh trong C-L-V và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh…) bằng phương tiện đường bộ thông qua QL 14, QL 13 và hệ thống các cửa khẩu. Do vậy, Bình Phước có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế và giao lưu thương mại trong khu vực C-L-V với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Năm 2018 là năm đầu tiên Bình Phước thu ngân sách vượt chỉ tiêu với tổng thu 8.279 tỷ đồng, vượt khá cao so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và chỉ tiêu HDND tỉnh quyết định. Có được thành công này là do đâu? Để tiếp tục đạt thành tích cao trong công tác thu ngân sách nhà nước, từng bước vươn lên trở thành tỉnh tự chủ, cân đối thu chi, Bình Phước tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.279 tỷ đồng, bằng 160% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 118% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 621 tỷ đồng so với số ước thực hiện.
Tổng thu ngân sách tăng cao chủ yếu ở nguồn thu nội địa (7.498 tỷ đồng, bằng 164% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 118% dự toán điều chỉnh của HĐND). Có 13/17 khoản thu đạt và vượt so với dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, trong đó các khoản thu vượt cao so với chỉ tiêu là: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lệ phí trước bạ; thuế bảo vệ môi trường; tiền thuê đất; tiền sử dụng đất; cổ tức, lợi nhuận sau thuế; khai thác khoáng sản; xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách. Thu từ hải quan (704 tỷ đồng, bằng 116% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 46 tỷ đồng so với ước thực hiện). Mức độ đóng góp tăng cao cho ngân sách trải đều hầu hết các lĩnh vực, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh phát triển ổn định, mạnh mẽ trong năm qua.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và đang trong giai đoạn suy giảm, kết quả thu ngân sách tỉnh Bình Phước đạt được cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong suốt thời gian qua. Với sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương đã từng bước đưa Bình Phước vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao theo hướng bền vững, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về lĩnh vực được giao trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đi đôi với cải thiện các chỉ số quan trọng khác như PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, APCI. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, tham mưu cắt giảm các điều kiện kinh doanh, phối hợp giải quyết tốt các kiến nghị của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Để tiếp tục đạt thành tích cao trong công tác thu ngân sách nhà nước, thời gian tới tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện một loạt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, bảo đảm giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2019 cao hơn năm 2018. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu ngân sách, phấn đấu cuối năm thu đạt 9.000 tỷ đồng. Tăng cường công tác chỉ đạo, khai thác tốt các nguồn thu, chống thất thu ngân sách, nhất là lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh; đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ăn uống, khách sạn, xăng dầu, vận tải, xây dựng tư nhân...
Song song đó tỉnh tập trung xây dựng Chương trình đô thị hóa theo hướng xây dựng TP.Đồng Xoài ngang tầm trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh; các thị xã Bình Long, Phước Long và Chơn Thành giữ vai trò là động lực kéo theo các vùng phụ cận phát triển, hình thành các khu dân cư đô thị gắn với các KCN.
Bình Phước là một trong 3 tỉnh có mức độ bức xạ nhiệt cao nhất cả nước nên có tiềm năng lớn trong phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời. Vậy để thu hút nhà đầu tư khai thác lợi thế này, tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt nào cũng như kết quả đạt được?
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến khảo sát và đề xuất thực hiện các dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời tại Bình Phước. Những dự án này sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường, thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư mà tỉnh đang khuyến khích mời gọi đầu tư và cam kết thực hiện chính sách ưu đãi (Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017); ngoài ra tỉnh có quỹ đất, mặt hồ rộng lớn, được quy hoạch dành cho phát triển điện năng lượng mặt trời. Hiện UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương thẩm định trên 40 dự án điện năng lượng mặt trời để xem xét phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Phước; đã được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 6 dự án do Tập đoàn Hưng Hải, Công ty CP Thủy điện Thác Mơ làm chủ đầu tư với tổng công suất 850 MKW và đường dây truyền tải 220 KV Lộc Ninh - Bình Long.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan để hoàn thành hồ sơ, chấp thuận các dự án phát triển điện năng lượng mặt trời; đồng thời hoàn thiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.
Mục tiêu cao nhất mà Bình Phước đặt ra trong năm 2019 là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Vậy đến thời điểm hiện nay, công cuộc tái cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà đã đạt được những kết quả khả quan nào? Hướng triển khai trong thời gian tới?
Với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, Bình Phước đã triển khai thực hiện theo lộ trình và có bước đi phù hợp nhằm khắc phục những yếu kém, phát huy triệt để mọi tiềm năng lợi thế sẵn có. Nhờ vậy mà đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng định hướng đề ra. Cụ thể tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,54% (kế hoạch cả năm là 7,3-7,5%), trong đó tốc độ tăng GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,1%; khu vực dịch vụ tăng 5,93%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,71% so với cùng kỳ năm 2018
Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, từ nay đến cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đang khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn (Nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright) tập trung rà soát, đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược đến 2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch và Chương trình hành động giai đoạn 2020-2025.
Trân trọng cảm ơn ông!