09:57:12 | 15/10/2019
Sở hữu tiềm năng, lợi thế đa dạng, thời gian qua, phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo (CB – CT) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có bước tăng trưởng ấn tượng, chiếm khoảng 90% tỷ trọng ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh – ông Nguyễn Anh Hoàng, nếu nhìn Bình Phước trong bối cảnh vận động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 3 tỉnh lân cận có công nghiệp phát triển (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh) thì Bình Phước thực sự đang có rất nhiều tiềm năng trong con mắt của các nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp CB - CT. Đầu tiên, sự phát triển của 3 tỉnh lân cận đã giúp thu hẹp khoảng cách về mặt địa lý giữa Bình Phước với trung tâm kinh tế, logistics của cả nước là TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Phước cũng đang được phát triển cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng; đồng thời, danh tiếng của vùng trên bản đồ đầu tư quốc tế cũng đang bao gồm địa danh Bình Phước.
Phát triển công nghiệp CB - CT trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có bước tăng trưởng ấn tượng, chiếm khoảng 90% tỷ trọng ngành công nghiệp địa phương. |
Thứ hai, quy hoạch phát triển vùng trước đây đã dự kiến về sự lan toả trong phát triển các vành đai công nghiệp từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh ra các tỉnh thuộc vành đai số 3 như Bình Phước. Trong quá trình này, Bình Phước luôn nổi lên và được khẳng định là một địa danh chế biến các nông sản rất đặc trưng của Vùng và cả nước, với các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế như hạt điều, hạt tiêu, mủ cao su... Hiện nay, Bình Phước đang thực sự đón nhận sự dịch chuyển như vậy trong nhóm ngành công nghiệp CB - CT.
Thứ ba, trong phát triển nhóm ngành công nghiệp CB - CT, Bình Phước nổi lên như một địa phương mạnh về công nghiệp chế biến theo chiều sâu với lợi thế về vùng nguyên liệu trù phú, khả năng liên kết sản xuất ngay tại địa phương, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ chế biến rất nhanh. Điều quan trọng là tỉnh có sự phát triển nền tảng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ các lĩnh vực dệt may, da giầy, cơ khí phục vụ nông nghiệp…
Thứ tư, Bình Phước đã dành quỹ đất đủ lớn cho việc đón nhận các làn sóng đầu tư cũng như chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để có thể lựa chọn các dự án phù hợp với tỉnh, thích ứng với sự vận động của vùng, đảm bảo Bình Phước có thể phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.
Trên cơ sở khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng lợi thế trên, thời gian qua phát triển công nghiệp CB - CT trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có bước tăng trưởng ấn tượng, chiếm khoảng 90% tỷ trọng ngành công nghiệp địa phương và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của tỉnh. Điều này cũng phần nào minh chứng cho sự sáng suốt của lãnh đạo tỉnh khi chọn công nghiệp CB - CT, trong đó có CNHT là hướng đi chính. Với việc phát triển hơn 200 dòng sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp CB - CT thực sự là một nỗ lực rất lớn của toàn tỉnh, toàn ngành công nghiệp Bình Phước trong nhiều năm qua. Đây là nền tảng cơ bản để Bình Phước tham gia phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo chiều sâu, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển thành công các thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương. Nếu làm được điều này, Bình Phước sẽ khẳng định được vị trí riêng trong sự phát triển tổng hoà của vùng Đông Nam bộ.
Ông Hoàng cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CB - CT, ngành công thương Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển được thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường quốc tế, trước hết là hạt điều để đưa ngành hàng này tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trước khi nhân rộng ra các sản phẩm chủ lực khác. Phấn đấu thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT khoảng 500 triệu USD, tạo ra khoảng 100 dòng sản phẩm, đem lại kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 300 triệu USD và trở thành nền tảng cơ bản để thúc đẩy mối liên kết nội vùng về CNHT. Phấn đấu tăng số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, sản xuất sản phẩm CNHT; đảm bảo cân đối cơ cấu sản phẩm, công đoạn sản xuất sản phẩm CNHT trong nội bộ từng ngành (dệt may, da giày, cơ khí, điện, điện tử) và tăng nhanh giá trị sản phẩm CNHT trong nhóm ưu tiên phát triển của Chính phủ.
Đức Bình
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI