Thương mại điện tử: Lỗ vẫn hút vốn đầu tư

14:51:12 | 10/1/2020

Những ngày cuối năm 2019, thị trường thương mại tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự ra đi của những website thương mại điện tử đình đám. Tuy nhiên cũng ngay trong tháng 11/2019 Sendo vừa nhận thêm khoản đầu tư trị giá 61 triệu USD công bố hồi tháng 11/2019 cho vòng gọi vốn Series C.

Làn sóng rời “trận chiến”

Dù được đánh giá là mảnh đất màu mỡ với dân số trẻ và mức chi tiêu cao, TMĐT Việt Nam vẫn là một chiến trường khốc liệt ngay cả với các “ông lớn” TMĐT toàn cầu.

Ở thời điểm năm 2017, Robins.vn (tiền thân là Zalora) thuộc Central Group tại Việt Nam vẫn nằm trong top 5 website TMĐT hoạt động tại Việt Nam, đến tháng 3/2019, sàn này thông báo đóng cửa. Ngày 20/12/2019 sau hơn 4 năm phát triển, tập đoàn Vingroup tuyên bố đóng cửa trang Adayroi. Trước đó, Vingroup xác nhận tái cấu trúc mảng bán lẻ, bắt đầu bằng việc chuyển giao quyền kiểm soát Vinmart, Vinmart+ và VinEco sang cho Tập đoàn Masan còn Vingroup vẫn sẽ đóng vai trò cổ đông theo thỏa thuận giữa hai bên. Ngày sau Vingroup, sàn Lotte.vn - sàn TMĐT chính thức của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam ra thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 20/1/2020 và được sáp nhập vào Speedl.vn.

Thị trường thương mại điện tử hiện nay là cuộc đua của 4 cái tên lần lượt là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo; mặc dù cả 4 sàn này đều đã xác nhận những con số lỗ khổng lồ.  Trong báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-18 lên tới 9.400 tỷ đồng. VNDIRECT cũng ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

Gia tăng giá trị

Hiện tại, các công ty TMĐT lớn nhất tại Việt Nam đều được hậu thuẫn bởi các tập đoàn thương mai điện tử nước ngoài hay là các công ty giàu tiềm lực, như: Lazada, được hậu thuẫn bởi Alibaba với mức vốn rót vào tới 4 tỷ USD, để mở rộng hoạt động sang thị trường Đông Nam Á. Tiki được góp góp bởi VNG và JD.com, Shopee là công ty con của SEA, tập đoàn Singapore được Tencent hậu thuẫn.

Dù lỗ khủng, các sàn TMĐT này vẫn tiếp tục huy động thêm được vốn. Tháng 6/2019, Tiki đã huy động thêm được một lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu nhưng không công bố con số cụ thể. Sau lần gọi vốn này, 2 cổ đông chính của Tiki hiện vẫn là VNG và JD.com.

Đến cuối tháng 11/2019, với  61 triệu USD vốn huy động được công bố, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…FPT hiện vẫn là cổ đông “nội” lớn nhất. CEO Sendo Trần Hải Linh cho biết, công ty có kế hoạch sử dụng vốn huy động được để mở rộng nền tảng tích hợp cho cả người bán và khách hàng, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Dù phải trả giá bằng số lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng bù lại những giá trị của nhưng thương hiệu còn trụ lại ngày càng tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD.

Theo bình luận của giới chuyên gia, Tiki và Sendo đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam sau VNG.

Mặt khác không phải sự kiện đóng cửa nào cũng vì thua lỗ, Theo Vingroup, việc đóng cửa Adayroi nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Tập đoàn để tập trung mọi nguồn lực vào mảng công nghiệp - công nghệ. Ngoài ra, Vingroup cũng cho đây là một bước chuyển mình quan trọng nhằm nâng cấp mảng TMĐT theo mô hình kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O) với tên gọi "New Retail".

Với mức tăng trưởng gần 30% mỗi năm, rõ ràng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Ông ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét:  "Không ai biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi nhưng chắc chắn cuộc chiến 'đốt tiền' giữa các công ty vẫn sẽ tiếp diễn".

Thanh Nguyễn