VCCI công bố báo cáo thường niên đầu tiên về vùng ĐBSCL

10:38:36 | 15/12/2020

Ngày 14/12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.  


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết Báo cáo thường niên ĐBSCL 2020 là bản báo cáo đầu tiên về vùng trong cả nước.

Trong những năm qua, các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL trong sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Quyết định số 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2014 về phê duyệt quy hoạch tống thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, An Giang và Kiên Giang) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 245/QĐ-TTg đã khẳng định vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Tiếp đến, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được ban hành vào năm 2017 một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của vùng ĐBSCL: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp kinh tế của vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên việc triển khai nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách của Chính phủ vẫn chưa theo kịp được với đòi hỏi thực tế của sự phát triển của vùng ĐBSCL. Sự chậm trễ trong triển khai nghị quyết và thực thi chính sách đang là một trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cộng thêm tác động lớn nhất đối với Vùng là BĐKH đã đưa vùng kinh tế ĐBSCL vào một giai đoạn khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử tồn tại của vùng và đó cũng là một thách thức chung của quốc gia.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI luôn tham gia kiến tạo, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững thông qua việc tham mưu, góp ý chính sách, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách và phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh và sự phát triển doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của địa phương.

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành vào giữa năm 2016, thể hiện quan điểm, định hướng, các nguyên tắc và biện pháp mà Chính phủ xác định trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, cho thấy một quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 35 chính là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế. Đối với vùng ĐBSCL, để phát triển vượt bền vững, rất cần có một cơ cấu kinh tế vừa hiệu quả, vừa “thuận thiên” thích ứng với biến đổi khí hậu.


Đông đảo đại diện lãnh đạo Bộ, ngành. địa phương và doanh nghiệp đến dự

Nỗ lực của VCCI Cần Thơ và các tác giả Ban biên soạn trong việc xây dựng Báo cáo thường niên là cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng để tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc định hướng, hoạch định chính sách đầu tư phát triển vùng ĐBSCL; là công cụ hữu ích cho lãnh đạo các địa phương trong quả trình xây dựng và điều hành chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố. Báo cáo cũng là nguồn tham khảo quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có thông tin định hướng đầu tư, mở rộng thị trường trong chiến lược phát triển kinh doanh tại vùng ĐBSCL. Tôi kỳ vọng Báo cáo này sẽ được thực hiện thường niên và sẽ là tiếng nói quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp của vùng ĐBSCL trong tương lai”, TS Lộc cho biết.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: Nội dung Báo cáo thường niên 2020 vùng ĐBSCL bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của Vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics. Từ những phân tích trên, Báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.


TS Vũ Thành Tự Anh, Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là dịch Covid-19. Riêng đối với ĐBSCL, do hoạt động công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước nên tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế ĐBSCL được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại, và du lịch của cả nước.

Tuy vậy, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có thể kéo dài, ĐBSCL sẽ có thể phải đối diện một số hệ lụy tiêu cực, xuất phát từ vai trò thù cũng như cấu trúc nội tại của vùng. Vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, việc ngừng xuất khẩu gạo có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua nông sản và sinh kế của người dân ĐBSCL.

Về chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Chi phí logistics vốn đã bị đánh giá là cao so sẽ tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra làn sóng hồi hương của người ĐBSCL đang lao động ở Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng. Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý và kinh tế đối với cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn…

Nguồn: DDDN