Các khu công nghiệp Nam Định: Tăng sức hút với nhà đầu tư

09:17:20 | 19/7/2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 10 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích 2.046ha, trong đó có 06 KCN được thành lập là: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận và Bảo Minh mở rộng với 1.288,58ha. Các KCN được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn ở cả trong nước và nước ngoài đến đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định

Nam Định là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Với hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại đã tạo thuận lợi lớn cho tỉnh Nam Định trong kết nối với các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Nam Định còn có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có trình độ tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư. Trong những năm qua, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp, Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển các KCN của tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy hoạch và thực tế nhu cầu của nhà đầu tư.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, tạo nhiều thuận lợi cho DN, đến nay các KCN đã cơ bản được “lấp đầy”. Cụ thể, KCN Hòa Xá được thành lập năm 2003, diện tích quy hoạch (sau khi điều chỉnh) là 285,37ha. Các hạng mục hạ tầng cơ bản được hoàn thiện, hệ thống xử lý nước thải công suất 4.500 m3/ngày đêm hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy của KCN đạt 100%.

KCN Bảo Minh thành lập năm 2007, diện tích quy hoạch là 154,5ha. Đến nay, hệ thống đường giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước... cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh, khá hiện đại, đồng bộ; tỷ lệ lấp đầy của KCN đạt 100%.

Đối với KCN Dệt may Rạng Đông, được khởi công năm 2017, đến nay, chủ đầu tư đã tập trung thi công san lấp mặt bằng với tổng diện tích khoảng 231ha và các hạng mục hạ tầng giao thông, thoát nước mưa, điện chiếu sáng, cây xanh,... Lũy kế tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện đạt 1.400 tỷ đồng. KCN Dệt may Rạng Đông đã có 02 nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Toray Nhật Bản vốn đầu tư 203 triệu USD và nhiều nhà đầu tư khác đã ký hợp đồng nguyên tắc để đầu tư xây dựng nhà máy trong KCN.

Riêng đối với KCN Mỹ Trung, năm 2019, Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và bộ ngành Trung ương phương án xử lý KCN Mỹ Trung. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 9471/BGTVT-QLDN ngày 07/10/2019 về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VFC sẽ thực hiện thu hồi tài sản và bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết: Lũy kế đến năm 2021, trên địa bàn các KCN có 186 dự án đầu tư của 159 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 52 dự án của 48 nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đăng ký là 7.987 tỷ đồng và 1,014 tỷ USD, vốn thực hiện là 4.200 tỷ đồng và 700 triệu USD. Hoạt động của các DN trong các KCN đã có đóng góp to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo việc làm cho người dân địa phương. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong KCN đạt 25.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 900 triệu USD (chiếm 30% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh); tạo việc làm cho 4,7 vạn lao động; nộp ngân sách nhà nước đạt 450 tỷ đồng.

Thời gian qua, trước dự báo về làn sóng các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn dịch chuyển về các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tỉnh Nam Định tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận. Tỉnh đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng tại các KCN mới và KCN mở rộng. Hiện nay, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng; KCN Bảo Minh mở rộng đang tập trung triển khai các thủ tục để sớm khởi công thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng KCN.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm KCN Bảo Minh vào tháng 1/2021

Tỉnh Nam Định áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm các quy định của Trung ương, Chính phủ. Đặc biệt, khi đầu tư tại 04 huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và đầu tư trong các KCN thì nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư như đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thông tin, quy hoạch, thành phần hồ sơ, thời gian xử lý liên quan đến dự án đầu tư. Đồng thời có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục về đầu tư tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN khi thực hiện đầu tư vào các KCN.

Hàng năm, tỉnh ban hành danh mục thu hút đầu tư theo Quyết định phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Nam Định tại Quyết định số 2641/QĐ-UBND ngày 07/12/2021. Mục tiêu là nỗ lực thu hút các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, có khả năng tạo ra số thu ngân sách lớn vào đầu tư tại tỉnh để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy vào các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo quy hoạch để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, nhất là đón làn sóng đầu tư mới, Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định với chức năng quản lý nhà nước các KCN trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh mục tiêu, định hướng chiến lược để phát triển và thu hút nhà đầu tư trong KCN. Theo đó, tập trung vào những nội dung cơ bản như: Hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ trình UBND tỉnh để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Thành lập KKT theo quy định; hoàn thiện Đồ án quy hoạch 02 KCN Hồng Tiến và KCN Trung Thành để trình thẩm định, phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư hạ tầng KCN, tạo nguồn đất có hạ tầng cho giai đoạn tới đây. Đồng thời, đôn đốc KCN Bảo Minh mở rộng hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng KCN. Tiếp tục theo dõi, kiến nghị việc xử lý KCN Mỹ Trung, tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư KCN Dệt may Rạng Đông đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN; xúc tiến các nhà đầu tư với KCN Mỹ Thuận.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện; công khai minh bạch thông tin, nghiên cứu triển khai áp dụng giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, DN và nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn tốt, có đạo đức công vụ theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về đầu tư tại các KCN của tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Nguồn: Vietnam Business Forum