10:22:59 | 19/7/2022
Hàng tỷ USD nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam mỗi năm, đưa theo kỳ vọng thu hút công nghiệp, công nghệ cao từ các nước phát triển giúp Việt Nam đi tắt đón đầu về công nghệ. Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn các dự án FDI vẫn là nhà máy thâm dụng lao động chân tay.
Vốn FDI liên tục tăng
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại từ tháng 5. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến 20.6.2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỉ USD. Trong nửa đầu năm 2022 có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ).
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 752 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 4,94 tỷ USD; 1.707 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,27 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Đặt trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch, cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, tăng trưởng FDI tại Việt Nam cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Thực tế từ khi làn sóng COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển dòng vốn của các tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn công nghệ đã dần xuất hiện. Nắm bắt được xu hướng đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách để thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Điển hình như Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chiến lược) nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là nâng cao tỉ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã và đang tiếp tục chọn Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất. Những cái tên có thể nhắc tới là Samsung, LG, Foxconn… và cả Intel - Tập đoàn chuyên sản xuất chip của Mỹ sau khi đầu tư giai đoạn I với 1 tỷ USD đang lên kế hoạch cho giai đoạn II, với ngân khoản gấp nhiều lần dự án đang triển khai.
Riêng Samsung đầu năm nay đã đầu tư thêm 920 triệu USD cho Nhà máy Điện cơ ở Thái Nguyên. Nestlé sau khi đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai, nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ, đã không ngừng mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Foxconn cũng tương tự, nhất là sau khi khách hàng lớn nhất của nhà sản xuất này - Apple - xác định Việt Nam có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình.
Thiếu vốn cho nghiên cứu sáng tạo
Trên thực tế, trong hàng chục tỷ USD được đầu tư vào Việt Nam mỗi năm chủ yếu đổ vào các nhà máy sản xuất, có thể là nhà máy sản xuất công nghệ cao, nhưng lại thiếu hụt nguồn vốn FDI cho nghiên cứu sáng tạo.
Những năm qua, Việt Nam luôn kỳ vọng về làn sóng đầu tư mới chất lượng từ châu Âu, Mỹ, và một số nước phát triển nhưng việc triển khai giải pháp để khơi thông dòng chảy này chưa được như mong muốn. Số dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển vào Việt Nam khá ít, số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể.
Điển hình như Mỹ vẫn chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam với trên 1.167 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 10,87 tỉ USD trong tổng số vốn FDI thu hút được trong năm 2021 là 31 tỉ USD.
Số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu chiếm 15%.
Riêng Samsung, khi vào Việt Nam đã cam kết thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, nhưng đến nay trung tâm này mới chỉ hoàn thành xây dựng phần thô, tương ứng với tiến độ 70%. Chưa rõ đến lúc nào trung tâm nghiên cứu phát triển này có thể đi vào hoạt động.
Hệ quả của việc thiếu các trung tâm nghiên cứu sáng tạo là thiếu vắng những phát minh bản quyền “Made in Việt Nam”. Điều này dẫn đến các nhà máy vốn FDI vẫn là những nhà máy thâm dụng lao động, hơn là phát triển.
Mục tiêu của thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao là giúp ngành công nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ mới, hướng tới phát triển toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, thiếu vắng các trung tâm R&D, khiến ngành công nghiệp Việt Nam chỉ phát triển mạnh ở một số lĩnh vực phục vụ cho các hãng nước ngoài như sản xuất vi mạch, màn hình… mà thiếu nghiêm trọng những ngành công nghiệp cơ bản khác.
Từ thực tế nguồn vốn FDI và sự phân bổ vào các lĩnh vực đầu tư, trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp trong nước cho thấy cần phải có một sự điều chỉnh chính sách đầu tư, tăng cường để làm sao có sự cải thiện về chất lượng các dòng vốn FDI đầu tư vào các dự án công nghệ, công nghiệp cao.
Khi vốn FDI vẫn là dòng vốn thâm dụng lao động, thì doanh nghiệp nội đang có những bước đầu tư bài bản vào công nghiệp phụ trợ và trung tâm R&D. Số liệu từ Bộ KHCN, năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia. VinGroup hiện nay được biết đến trên trường quốc tế là doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, công nghệ cao hơn là một doanh nghiệp BĐS. Để có thể chào bán xe điện ra thế giới, tập đoàn này đã đầu tư bài bản từ nghiên cứu pin cho đến hệ thống dây chuyền sản xuất, công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, các tập đoàn công nghệ khác trong nước như FPT, Viettel, Mobifone đều có chiến lược đầu tư lâu dài cho R&D. Bằng chứng là cách đầy 11 năm, FPT đã dành khoản 5% doanh thu hằng năm cho R&D. Viettel cũng đã thành lập viện nghiên cứu riêng (Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel) vào năm 2010 theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Từ năm 2014, Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương 2.500 tỷ đồng, đầu tư vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. |
Giang Tú (Vietnam Business Forum)