14:26:19 | 5/12/2022
Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có tiềm năng lớn tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Sơn La đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.
Tỉnh Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Do địa hình núi xen thung lũng và sự hình thành của nhiều hồ thủy điện khiến khí hậu Sơn La chia thành nhiều tiểu vùng, đặc trưng như: Vùng khí hậu mát mẻ từ 18oC – 21oC rất phù hợp để phát triển du lịch (cao nguyên Mộc Châu, Tà Xùa - Bắc Yên, Co Mạ - Thuận Châu, Ngọc Chiến - Mường La...); tiểu vùng khí hậu nóng ẩm như Sông Mã, Mường La, Phù Yên,... Có khí hậu mát mẻ, vào mùa xuân trên cao nguyên Mộc Châu, những nương đồi chè, hoa mơ, hoa mận, hoa đào, cánh đồng hoa cải,... đã cuốn hút khách du lịch.
Ngoài ra, địa hình nhiều núi đá vôi đã tạo nên hệ thống hang động kỳ thú như hang Dơi, Ngũ động Bản Ôn (Mộc Châu), hang Nhả Nhung, Chi Đảy (Yên Châu), hang Thẳm Tát Tòng (TP.Sơn La), hang Hua Bó (Mường La),... Hệ thống sông suối, hồ ở tỉnh hết sức phong phú, dồi dào, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Thác Dải Yếm (Mộc Châu), thác Tạt Nàng (Chiềng Yên, Vân Hồ),... Đặc biệt, hệ thống sông Đà tạo nên một nền văn hóa sông nước truyền thống lâu đời. Sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La hình thành đã tạo nên lòng hồ thủy điện với chiều dài 150km, diện tích khoảng 16.000ha có tiềm năng lớn khai thác phát triển du lịch lòng hồ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có những hồ khác có tiềm năng phát triển du lịch như: Hồ bản Áng (Đông Sang, Mộc Châu), hồ Chiềng Khoi (Yên Châu), hồ Tiền Phong (Mai Sơn). Ngoài ra, Sơn La còn có nguồn tài nguyên suối nước nóng hết sức phong phú như: Suối nước nóng bản Mòng, Hua La, TP.Sơn La; suối nước nóng Mước Bú, Ngọc Chiến, Mường La.
Tỉnh có 12 dân tộc, trong đó chiếm đa số là các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Mường. Đây được xem là những tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Các dân tộc tỉnh Sơn La hiện đang lưu giữ tại cộng đồng những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của vùng Tây Bắc tạo nên sự khác biệt của sản phẩm du lịch Sơn La - Tây Bắc. Hiện nay nhiều làng bản dân tộc ở Sơn La còn lưu giữ được các giá trị sinh hoạt, văn hóa truyền thống. Nhiều làng bản dân tộc đã bước đầu phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng như: Bản Nà Bai, bản Phụ Mẫu 1 và Phụ Mẫu 2 (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ); bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ); Bản Hài, bản Cá và bản Bó (xã Chiềng An, TP.Sơn La); bản Tông và bản Hụm (xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La); bản Han 2, Han 4 và bản Han 5 (xã Mường Do, huyện Phù Yên); Bản Lướt (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La); bản Ka, bản Đức (xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai); trung tâm xã Hồng Ngài - văn hóa dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ (huyện Bắc Yên).
Bên cạnh đó, hiện nay, Sơn La có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 01 di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt là Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 trên đồi Khau Cả, là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Ngoài ra còn có các di tích khác như: Văn bia Quế lâm ngự chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông (TP.Sơn La); Đồn Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu); Kỳ Đài Thuận Châu (nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Thuận Châu); Cứ điểm Nà Sản, tượng đài Thanh niên xung phong - Mai Sơn; Cầu Tà Vài với chiến công nữ dân quân Yên Châu bắn rơi máy bay Mỹ; Danh thắng Hang Dơi - Mộc Châu; Hang Chi Đảy - Yên Châu; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Mường Và - Sốp Cộp.
Các dân tộc thiểu số ở Sơn La có nhiều lễ hội và các trò chơi dân gian gắn với mùa vụ trong năm. Dân tộc Thái có Lễ hội hoa Ban tại Vân Hồ và TP.Sơn La diễn ra vào mùa hoa ban nở dịp tháng 3; lễ hội Lồng Tồng xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu); lễ hội đua thuyền (huyện Quỳnh Nhai). Dân tộc Mông có Lễ hội Nào Sồng (Mộc Châu), lễ hội Tu Su (Yên Châu) với nhiều trò chơi dân gian được duy trì,... Hàng năm, vào dịp ngày 02/9 tại thị trấn huyện Mộc Châu diễn ra ngày hội văn hóa các dân tộc, là dịp để nhân dân tụ hội, mừng Tết Độc lập, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch.
Về ẩm thực, các dân tộc thiểu số ở Sơn La có nhiều món ăn đặc sản như: Rượu cần, rượu hoẵng, Pa pỉnh tộp (cá nướng), Mọ tu cáy (gà tơ tần), thịt hun khói, cơm lam, bánh dầy,... là những món ăn hấp dẫn đối với khách du lịch.
Các sản phẩm thủ công truyền thống như khăn piêu của dân tộc Thái, vải thổ cẩm, đệm bông gạo, các đồ vật bằng mây tre đan với các hoa văn đặc sắc hay những bộ trang phục rực rỡ của phụ nữ người Mông,... là những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa; là tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, là quà tặng ý nghĩa với du khách.
Với những tiềm năng về tự nhiên và nhân văn phong phú, tỉnh Sơn La đang từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển các dòng sản phẩm thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và cuối tuần ở các vùng cảnh quan; du lịch văn hóa; du lịch tham quan danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá; du lịch tâm linh. Phát huy tối ưu tiềm năng và thế mạnh, ngành Du lịch Sơn La đang kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, tham quan để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đưa du lịch Sơn La ngày càng phát triển bền vững.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI