10:16:16 | 30/4/2023
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đặc biệt là sau khi tách ra hoạt động độc lập vào năm 1993, VCCI đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
VCCI và 4 tỉnh, thành bao gồm tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh triển khai thỏa thuận
Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông vào tháng 02/2023. Thỏa thuận đã được ký kết vào cuối tháng 7/2022
Các hoạt động hợp tác đó được thể hiện cụ thể qua các biên bản cam kết, hợp tác, các hoạt động khảo sát, các chỉ số đo lường, chương trình xúc tiến thương mại, các lớp học/khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, VCCI cùng với chính quyền các địa phương cũng tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại, diễn đàn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước với lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, nông thủy sản, dệt may, da giày,…
Những hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ cộng đồng
doanh nghiệp tại các địa phương nâng tầm tri thức, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy giao thương kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và ngoài nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế.
Cùng 63 tỉnh, thành ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa chính là việc VCCI hoàn thành ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với 63 tỉnh, thành trên cả nước từ năm 2016. Việc ký cam kết này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Theo đó, nội dung được ký kết tập trung vào các vấn đề như tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ, thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan,... Sự kiện này thể hiện quyết tâm của VCCI về việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh từ cấp cơ sở, cấp địa phương. Trong quá trình đó, nhiều địa phương đã có những cải cách, thay đổi tích cực và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tại địa phương mình.
Sáng kiến và 18 năm thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Nổi bật nhất trong những hoạt động hợp tác hiệu quả với chính quyền địa phương trong những năm qua chính là việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 đến nay. Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. Đây là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Ngay từ khi triển khai, PCI đã thu hút sự quan tâm của chính quyền nhiều địa phương và được dư luận đánh giá cao. Bởi PCI được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay. Chỉ số PCI chính là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, Chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Với kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai trên trang web của dự án (www.pcivietnam.vn), đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Trong những năm gần đây, với việc đẩy mạnh các hoạt động “Hậu công bố PCI” thông qua các hoạt động như tổ chức các hội thảo chẩn đoán, phân tích PCI, tư vấn trực tiếp cho các địa phương, VCCI tiếp tục hỗ trợ hiệu quả hơn các địa phương cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đánh giá hiệu quả của việc công bố Chỉ số PCI đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương.
Lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An cùng lãnh đạo VCCI và đại diện các doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão
Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng
Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới là một trong những chủ trương đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030.
Theo đó, một trong những hoạt động hợp tác quan trọng giữa VCCI với các địa phương chính là sáng kiến Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội qua 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, đến cửa khẩu với Trung Quốc, dài gần 300km. Thỏa thuận Kết nối Kinh tế trục cao tốc phía Đông đã được VCCI và lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố trên ký kết vào cuối tháng 7/2022 hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong Vùng Đồng bằng
sông Hồng và khu vực phía Bắc. Đây là 4 địa phương có chính quyền năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống đường cao tốc tốt nhất hiện nay, 3 sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào với quy mô dân số gần 7 triệu người,…
Định hướng tương lai
Trong thời gian tới, VCCI tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố để cùng địa phương thực hiện 3 mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp địa phương; Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Nhiều hoạt động quan trọng của VCCI cũng dành cho sự hợp tác với các địa phương, ví dụ như hợp tác xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, trong đó có việc công bố Chỉ số PCI và Green Index là một trọng tâm của nội dung này.
Ngoài ra, VCCI cũng tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Cụ thể, VCCI sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các hiệp hội doanh nghiệp về kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức và triển khai hoạt động hiệp hội; một số chương trình bồi dưỡng lãnh đạo doanh nghiệp; triển khai chương trình lan tỏa đạo đức doanh nhân Việt Nam; tổ chức thi sáng tác toàn quốc bài ca doanh nhân Việt Nam.
Đặc biệt, VCCI sẽ hỗ trợ địa phương mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế và khai thác các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể là các chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư do VCCI tổ chức tại các thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Mỹ,... sẽ mời đại diện lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp trong khu vực tham gia. VCCI cũng sẵn sàng hỗ trợ riêng cho các địa phương có nhu cầu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài, tổ chức các lớp hướng dẫn khai thác các FTA cho doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, ủy viên BCH, Trưởng ban Kiểm tra VCCI Đảm nhiệm vị trí Trưởng ban kiểm tra qua 3 thời kỳ, tôi cảm thấy rất tự hào khi cùng VCCI đi qua các giai đoạn phát triển. Tôi chính thức tham gia vào Ban Chấp hành của VCCI vào năm 2000, khi đó là giai đoạn chuyển giao từ việc tập trung kết nạp hội viên là doanh nghiệp nhà nước lớn sang các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. Mạng lưới hội viên đa dạng là minh chứng cho độ phủ, tính đại diện rộng rãi của VCCI. Được coi như “tiếng nói của doanh nghiệp”, VCCI thể hiện trên cả phương diện quy mô, triển khai các chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh tế nói chung. Trong đó, Chương trình Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một ví dụ điển hình cho vai trò của VCCI trong việc hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, ban ngành và địa phương trong việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế. Sau nhiều năm tổ chức, PCI đã tạo ra một môi trường, hệ sinh thái thông thoáng cho các thành phần từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được phát triển tại Việt Nam. Vị thế một tổ chức chuyên nghiệp của VCCI còn được thể hiện qua vai trò kết nối với nhiều hiệp hội trong nước và quốc tế. Đón chào các hiệp hội ngành nghề lớn nhất Việt Nam tham gia với vai trò thành viên, VCCI cũng liên kết cùng các hiệp hội đầu tư nước ngoài lớn như AmCham, EuroCham, JCCI, KoCham, SBG,… nhằm xúc tiến đầu tư và kết nối thương mại. Bên cạnh đó, là cơ quan có cơ cấu và nhiệm vụ đặc thù, VCCI đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác ngoại giao kinh tế, kết nối kinh tế trong tiến trình phát triển, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn. Bám sát chương trình phát triển của Chính phủ, VCCI là thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), mạng lưới các doanh nghiệp ASEAN, từ đó thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và thể hiện hình ảnh một Việt Nam thịnh vượng trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các giá trị phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái sống được đề cao, doanh nhân trẻ đã nhận thức được rằng họ chính là những người giải quyết thách thức của quá khứ và thực hiện cam kết phát triển lâu dài của Việt Nam. Khi đã xác định được 3 trụ cột ESG, cùng với nền tảng công nghệ, tôi tin tưởng họ sẽ tạo nên lực đẩy cần thiết cho chính doanh nghiệp và đất nước phát triển vượt bậc và lâu dài. Là đại diện của thế hệ trí tuệ mới và công nghệ cao, doanh nhân trẻ Việt Nam là những người có cả khao khát xây dựng doanh nghiệp vững mạnh và mong muốn khẳng định vai trò của doanh nghiệp, ngành nghề và quê hương mình ra thế giới. Hơn ai hết, họ là những cá nhân sẵn sàng thúc đẩy hội nhập sâu rộng, nhanh và toàn diện với kinh tế quốc tế. |
Võ Tân Thành
Phó Chủ tịch VCCI
Nguồn: Vietnam Business Forum