Mộc Hóa: Sức vươn của huyện biên giới

14:26:19 | 12/5/2023

Mộc Hóa là huyện thuần nông có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu và thiếu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2013), cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và nhân dân, vùng đất từng được mệnh danh là “rốn lũ” của Đồng Tháp Mười nay đã “thay da, đổi thịt” và có nhiều khởi sắc.

Từ một địa phương khó khăn về mọi mặt, song được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Mộc Hóa đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Nổi bật nhất là việc xây dựng, hoàn thành nhiều công trình với quy mô và kinh phí đầu tư lớn, làm cho bộ mặt của huyện thêm khang trang như trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện; Bệnh viện Đa khoa huyện; cầu dây văng Bình Phong Thạnh; nhựa hóa đường tỉnh 817;...

Năm 2022, triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tổng thu ngân sách ước đạt 321,559 tỷ đồng, đạt 140,54% dự toán. Tổng chi ngân sách là 243,395 tỷ đồng, đạt 108% dự toán.

Về sản xuất nông lâm – ngư  - nghiệp, năm 2022 trên địa bàn huyện gieo sạ được 43.928ha lúa, đạt 103,36% so với kế hoạch (42.500ha), giảm 01ha so với năm 2021 (43.929ha); năng suất bình quân cả năm đạt 58,1 tạ/ha, đạt 100% so với kế hoạch (58,1 tạ/ha), thấp hơn 2,8 tạ/ha so với năm 2021 (60,9 tạ/ha); sản lượng lúa cả năm đạt 255.077 tấn, đạt 100,03% so với kế hoạch (255.000 tấn), đạt 103,27% so với Nghị quyết (247.000 tấn) và đạt 100,03% so với kế hoạch tỉnh giao (255.000 tấn), giảm 10.569 tấn so với năm 2021 (265.646 tấn). Toàn huyện gieo trồng được 731,6ha rau màu các loại, đạt 113,4% so với kế hoạch (645ha) giảm 616,5ha so với cùng kỳ năm 2021 (1.155,1ha); thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái được 473,85ha, tăng 18,34ha so với cùng kỳ năm 2021 (455,1ha). Tổng đàn gia súc: 4.533 con; gia cầm 31.318 con,…Trong năm, diện tích lúa công nghệ cao là 5.487ha. Sản lượng đạt 33.004 tấn đạt 115,8% so với Nghị quyết Huyện ủy (29.000 tấn). Năm 2022, trên địa bàn huyện triển khai 15 mô hình nhân rộng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và phối hợp các ngành tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm thực hiện. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện tính đến nay là 1.896,54ha. Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện là 192,2ha.

Ngoài ra, các ngành tiểu thủ công nghiệp như đan lục bình, may công nghiệp,… đã góp phần giải quyết lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập ổn định; công tác khuyến công được quan tâm. Thương mại - dịch vụ được quan tâm mở rộng, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Toàn huyện có 480 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, có 06 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, 49 doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu trên các lĩnh vực như cung cấp vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng, đại lý xăng dầu, cung cấp thức ăn gia súc, đồ gỗ, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trang trí nội thất, may mặc, xay xát,… Bên cạnh đó, 02 chợ nông thôn, 01 hệ thống cửa hàng bách hoá xanh, 01 cửa hàng Điện máy xanh tạo điều kiện mua bán, trao đổi hàng hoá, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.


 Hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo giữa UBND huyện Mộc Hóa và Trường Đại học Cần Thơ

Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười có doanh nghiệp đầu tư bước đầu mang lại hiệu quả và xu hướng phát triển hơn trong thời gian tới. Ước thực hiện đến hết năm 2022, huyện Mộc Hóa đón nhận hơn 31.600 lượt khách du lịch.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Trên địa bàn huyện có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia; 6/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 7/7 xã, thị trấn được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; hộ sử dụng điện đạt 98,37%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,23%; hộ nghèo giảm còn 2,55%,... Công tác Đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh. Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, 10 năm qua, huyện vận động xây 180 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, tổng trị giá 6,7 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của huyện Mộc Hóa năm 2023:
- Tổng sản lượng lúa đạt 246.000 tấn (lúa ứng dụng công nghệ cao 37.500 tấn/năm).
- Thu ngân sách đạt 46 tỷ đồng;
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,83% (sử dụng điện an toàn đạt 91,98%);
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%;
- Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới phấn đấu đạt 16/17 trường;
- Duy trì 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 68%, (có bằng cấp, chứng chỉ 25%)
- Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (giảm 15% so với năm 2022).

Năm 2023, UBND huyện tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, chủ động khắc phục khó khăn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tích cực thu hút đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động, sản xuất. Những kết quả đạt được sẽ là nền tảng để huyện Mộc Hóa tiếp tục bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, thực hiện ước mơ, khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguồn: Vietnam Business Forum