09:05:48 | 11/8/2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Singapore duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư. Như vậy, Singapore đã có 3 năm liên tiếp trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và cũng tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư Singapore do tương đồng về độ mở thị trường, cùng chí hướng phát triển bền vững và cùng tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do.
Nhiều dự án lớn và thành công
Thực tế cho thấy, đã có hàng ngàn dự án đầu tư từ Singapore vào Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng FDI vào Việt Nam trong năm. Tính lũy kế hết năm 2022, Singapore là nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3.600 dự án, đạt trên 70 tỷ USD.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư; thứ hai là kinh doanh bất động sản và thứ 3 là lĩnh vực sản xuất điện. Phần lớn các dự án đầu tư của Singapore đều có quy mô lớn (bình quân là trên 23,5 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là trên 12,1 triệu USD/dự án). Trong đó phải kể đến 3 "siêu dự án" của Singapore tại Việt Nam gần đây là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (cấp phép năm 2020, vốn đăng ký 4 tỷ USD); khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Quảng Nam (cấp phép năm 2010, vốn đăng ký 4 tỷUSD) và dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (cấp phép năm 2021, vốn đăng ký 3,12 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong khi nhiều nền kinh tế và khu vực trên thế giới giảm đầu tư vào Việt Nam thì trong năm 2022, có một số dự án điều chỉnh của Singapore tại Việt Nam tăng vốn mạnh mẽ. Nổi bật là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, tăng thêm gần 941 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam tại TP.HCM điều chỉnh tăng thêm gần 494,2 triệu USD.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) - mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị, bao gồm đầy đủ các cấu phần về đô thị, nhà ở xã hội và khu tái định cư, không gian xanh… là dự án đầu tư tiêu biểu và thành công của việc hợp tác giữa Chính phủ Singapore và Việt Nam. Đến nay, đã có 13 VSIP trên khắp cả nước, thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 17 tỉ USD và đã tạo ra khoảng 300.000 việc làm tại Việt Nam.
Hướng tới tương lai
Việt Nam và Singapore có quan hệ đối tác chiến lược với các khuôn khổ hợp tác kinh tế chặt chẽ như Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21, Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam - Singapore, các Hiệp định về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định CPTTP... đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, môi trường chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam Trần Quốc Phương, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao, tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
“Sự hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Singapore tại VN Jaya Ratnam, ở cấp độ khu vực, Singapore và Việt Nam cũng là đối tác có cùng chí hướng trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", Đại sứ Singapore tại VN Jaya Ratnam nhận xét. Ông cho rằng năm 2023 và xa hơn nữa, 2 nước có thể tăng cường hợp tác kinh tế trong 5 lĩnh vực chính, gồm: kinh tế số và đổi mới sáng tạo; hạ tầng; năng lượng; phát triển bền vững, khẩn trương đẩy nhanh hành động để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu; và đẩy mạnh kết nối nhiều mặt về thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông - vận tải và du lịch.
Tại Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư - kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing (SCCCI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3/2023, ông Kho Choon Keng, Chủ tịch SCCCI cho biết, Singapore luôn nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một thị trường phổ biến được các công ty Singapore quan tâm.
Nhiều công ty Singapore đã thiết lập sự hiện diện hoặc đang tích cực tìm kiếm các cơ hội trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, vận tải, hậu cần, giáo dục, du lịch, tài chính và nông nghiệp. Ngoài các thành phố chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư Singapore đã tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các tỉnh/thành khác của Việt Nam. Ông Kho Choon Keng cho biết, cùng với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có, hai nước cũng có thể khám phá sự hợp tác trong các lĩnh vực mới, bao gồm tính bền vững, nền kinh tế xanh và nền kinh tế kỹ thuật số…
Với ưu thế ổn định chính trị, môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực, cùng với lực lượng lao động có trình độ và chăm chỉ... Việt Nam đang duy trì ưu thế trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI