09:26:50 | 19/3/2024
Những năm gần đây, Hậu Giang đã có những bước đột phá về hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT - XH) phát triển bền vững. Để tìm hiểu thêm thông tin, Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hậu Giang.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Lễ khởi công thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, gói thầu thi công xây dựng số 2 |
Hai mươi năm qua, ngành GTVT tỉnh không ngừng nỗ lực để góp phần phát triển KT - XH tỉnh ngày càng vững mạnh. Ông có thể khái quát về những thành quả nổi bật mà ngành đã đạt được?
Nhìn lại hai mươi năm nỗ lực phấn đấu, ngành GTVT đã có những đóng góp mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy tỉnh Hậu Giang phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Cụ thể là, với sự hình thành tuyến quốc lộ 61C đã phá thế độc đạo cho tỉnh và mở ra trục hành lang kinh tế mới Cần Thơ - Hậu Giang - Kiên Giang. Mạng lưới đường quốc lộ từ 02 tuyến với chiều dài khoảng 80km, đến nay đã tăng thành 06 tuyến với chiều dài 158km, tất cả đều được đầu tư mở rộng cơ bản kết nối tỉnh Hậu Giang với các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, nếu như mạng lưới đường tỉnh trước đây là 7 tuyến, chiều dài khoảng 88km, hầu như chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh vận tải thì đến nay đã tăng lên 15 tuyến với chiều dài 286km. Các cầu trên tuyến đều được cải tạo, xây mới, đáp ứng tải trọng theo quy hoạch. Hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường giao thông nông thôn (GTNT) đã tăng vượt bậc gấp gần 15 lần so với trước khi chia tách tỉnh. Theo thống kê, mật độ đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cao gấp 1,46 lần; mật độ đường tỉnh cao gấp 1,52 lần so với mật độ trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tất cả đã tạo nên một mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông rộng khắp trên toàn địa bàn, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, tạo nền tảng, động lực phát triển KT-XH của địa phương và khu vực.
Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu của ngành trong năm 2023 cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024?
Năm 2023, ngành GTVT tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả như sau:
Phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, địa phương, cùng với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh nội dung quy hoạch tỉnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GTVT tổ chức khởi công dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Sở GTVT tỉnh Hậu Giang đã khẩn trương, nỗ lực để hoàn thành các thủ tục khởi công toàn bộ các gói thầu của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.
Ngành GTVT phối hợp hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án trọng điểm như: Đường tỉnh 925B, đường tỉnh 927, đường tỉnh 929,…tạo động lực thúc đẩy, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tương xứng với tiềm năng hiện có. Đã phối hợp các đơn vị tổ chức thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng hai tuyến đường quan trọng trên địa bàn là Dự án mở rộng quốc lộ 1 từ TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; Dự án mở rộng Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ và nhiều tuyến đường do địa phương quản lý,...
Về mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trên cơ sở đó, ngành GTVT sẽ triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực, mục tiêu phát triển của tỉnh. Phối hợp với Cục Hàng Hải để hoàn thành quy hoạch cảng biển Hậu Giang làm tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển dịch vụ logistics. Tập trung hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả; triển khai các dự án cao tốc trên địa bàn đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo kế hoạch của UBND tỉnh. Khẩn trương khởi công các dự án mang tính chiến lược, liên kết vùng.
Theo ông, sự phát triển hạ tầng GTVT của tỉnh hiện sẵn sàng ra sao nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp?
Hiện nay hệ thống quốc lộ đã được đầu tư mở rộng, hệ thống đường tỉnh cơ bản kết nối thuận lợi với mạng lưới đường quốc lộ, giữa địa phương với địa phương. Đặc biệt, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối trực tiếp với mạng lưới đường quốc lộ. Nhìn chung, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới cần phải tập trung nỗ lực đầu tư thêm để hoàn thiện hơn, nhưng đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của của người dân và nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI