09:11:59 | 2/5/2024
Tỉnh Kon Tum phấn đấu đạt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 40%, toàn tỉnh có 11 đô thị; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị.
Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla nhằm mở rộng không gian đô thị TP.Kon Tum
Diện mạo mới đầy khởi sắc
Đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát triển 8 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (TP.Kon Tum); 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng thuộc huyện Ngọc Hồi); 6 đô thị loại V (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei; thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô; thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà; thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy; thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 trung tâm huyện (đô thị mới) bao gồm: Trung tâm huyện Tu Mơ Rông; trung tâm huyện Ia H'Drai; trung tâm huyện lỵ huyện Kon Rẫy (khu vực xã Đăk Ruồng - Tân Lập thuộc huyện Kon Rẫy) đang đầu tư xây dựng để từng bước đạt các tiêu chí đô thị theo quy định.
Nhìn chung, thời gian qua công cuộc phát triển đô thị của tỉnh Kon Tum đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị. Các đô thị cơ bản thể hiện được vị trí, chức năng, vai trò của mình (trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông cấp tỉnh, cấp huyện), góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của tỉnh. Không gian đô thị từng bước được mở rộng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng. Tại một số đô thị, nhất là đô thị TP.Kon Tum; thị trấn Măng Đen huyện Kon Plông, bước đầu được các nhà đầu tư lớn quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong phát triển các khu đô thị.
Tỷ lệ thuận với sự mở rộng về không gian đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng ngày càng nâng cao (năm 2020 đạt 32,74%; năm 2022 đạt 38,26%); chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 84,57%; cấp nước sinh hoạt trung bình đạt 43,6%, đất cây xanh đô thị đạt 7,28m2 /người;... Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, góp phần tích cực vào định hướng phát triển đô thị bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều quan trọng là sự phát triển đồng bộ, hiện đại của hệ thống đô thị cũng đã góp phần nâng cao mức sống, dân trí cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch tỉnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Xác định vai trò quan trọng của phát triển đô thị đối với sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 40%; toàn tỉnh có 11 đô thị. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị.
Gần đây nhất, ngày 31/12/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1756/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để tỉnh thực hiện việc sắp xếp, phân bố lại không gian, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người;...
Quy hoạch cũng đưa ra các đột phá phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng “ba quốc gia, một điểm đến”; sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch (KDL) sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của KDL sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm. Ngoài ra, Quy hoạch cũng xác định phát triển 3 trung tâm đô thị động lực (đô thị trung tâm: TP.Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ; trung tâm đô thị phía Bắc: Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; trung tâm đô thị phía Đông: Thị trấn Măng Đen và KDL sinh thái Măng Đen).
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum - ông Nguyễn Quang Hải cho biết: Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, lập điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; chương trình phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch chung xây dựng KDL sinh thái Măng Đen; quy hoạch chung thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y,...
“Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Đề án “Phát triển Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị” sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển mạng lưới đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững và toàn diện” - ông Nguyễn Quang Hải nhấn mạnh.
Trí Dũng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI