Nông thôn mới năng động – sáng tạo – gắn kết

09:13:14 | 2/1/2025

Tiếp nối chặng đường dài những năm qua, phong trào xây dựng NTM trên cả nước đã chuyển từ lượng sang chất. Các địa phương không chỉ phấn đấu đạt chuẩn NTM mà còn chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đặc biệt là tiêu chí về môi trường, giáo dục và y tế, nhằm duy trì, phát triển thành quả đã đạt được và hướng tới sự phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025?

Theo đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có khoảng 38% số xã đạt NTM nâng cao và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, trong đó, có khoảng 18 huyện (5,9%) được công nhận đạt NTM nâng cao và chưa có huyện NTM kiểu mẫu. Có thêm từ 1 - 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (đạt khoảng 53% mục tiêu phấn đấu đến 2025).

Để về đích như kỳ vọng, các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp là: Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; Tập trung phát triển kinh tế nông thôn; Cải thiện cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xã hội; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...Để đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn không bị “xuống hạng”, các địa phương nỗ lực duy trì và cải thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, trường học, cơ sở y tế và vệ sinh môi trường. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, một số xã tiêu biểu sẽ được chọn làm điểm nhấn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, với các tiêu chí khắt khe hơn như ứng dụng năng lượng tái tạo, xây dựng các làng nghề bền vững và phát triển du lịch nông thôn. Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí không chỉ nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được, mà còn tạo động lực cho các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và thích ứng với những thách thức mới trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình OCOP được xem là nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong chương trình?

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCO, các sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình một vai trò “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn. Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm...

Đến nay, cả nước đã có 14.208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (72,3% sản phẩm 3 sao; 25,6% sản phẩm 4 sao; 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao) và 7.894 chủ thể OCOP (32,9% là hợp tác xã, 23,2% là doanh nghiệp nhỏ, 38,2% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác...).Phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46,0%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.

Đặc biệt, chương trình đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, được lan tỏa và tiêu thụ mạnh mẽ gắn với bán hàng trực tuyến (tương tác) trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok shop. Nhờ đó, không ít sản phẩm OCOP đã vươn xa ra thị trường thế giới...

Thực tế, nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế ngày càng cao. Theo ông, thời gian tới, cơ quan chức năng và địa phương cần làm gì để định vị thương hiệu và phát triển sản phẩm OCOP?

Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như là ISO, HACCP, GAP và một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao thì cũng đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

 Sản phẩm OCOP là đặc sản, mỗi sản phẩm OCOP là một "câu chuyện riêng", mang các giá trị về văn hóa đặc trưng, riêng có của mỗi địa phương, vùng, miền. Chính điều này là thế mạnh đặc biệt của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm công nghiệp đại trà. Bên cạnh đó, do sản lượng của mỗi sản phẩm OCOP là hữu hạn, nên nếu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được thị trường chấp nhận, thì bao giờ cầu cũng sẽ lớn hơn cung, nhất là trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội ngày một nâng cao.

Kết quả khảo sát và thử nghiệm trong thời gian vừa qua cho thấy, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP cũng rất lớn, tiềm năng, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở các nước, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ... Tuy nhiên, đối với sản phẩm OCOP, cần phải tập trung vào tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là quan điểm tham gia vào thị trường một cách có trách nhiệm, minh bạch và bền vững...

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Có thể nói Chương trình OCOP tạo tiếng vang cho các loại nông sản đặc sản của mỗi địa phương. Cũng từ chương trình này, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thời gian qua được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp hàng đầu để nông sản của các địa phương trong tỉnh tiếp tục đứng vững tại các thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Nhận thức được vai trò quan trọng này, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu là lợi thế của địa phương, gắn với việc đẩy mạnh liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)