Điểm sáng thu hút FDI

09:30:16 | 26/12/2024

Năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục gia tăng đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất linh kiện bán dẫn. Dự báo, nguồn vốn này sẽ giữ nhịp độ tích cực trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài, điều này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.

2024 - năm thành công thu hút FDI

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và nền tảng tăng trưởng kinh tế khá cao. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 11/2024, tổng vốn FDI đạt khá lớn so với các tháng trong năm, với gần 4,12 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng, FDI đạt gần 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với số lượng dự án FDI vào Việt Nam, chất lượng các dự án đầu tư, cơ cấu đầu tư tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 63%). Trong đó, có nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và mở rộng. Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước.

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…, như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.

Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu trong xu hướng chậm lại, Việt nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ vậy, theo đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI thời gian tới của Việt Nam sẽ vẫn giữ nhịp độ tích cực nhờ các yếu tố cốt lõi, gồm: Vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định.

Cơ hội trở thành mắt xích quan trọng

Những năm gần đây Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư vào những ngành công nghệ cao. Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Ngoài ra, “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.

Không chỉ vậy, với việc Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cùng lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon, Skyworks đến tìm hiểu môi trường đầu tư vào tháng 12/2024, Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ toàn cầu.

Hiện Việt Nam đã thành lập các tổ công tác chuyên biệt để trực tiếp đàm phán, hỗ trợ, các tập đoàn lớn. Chính phủ cũng đưa ra những cam kết về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, tái tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục khẳng định vai trò là đối tác tin cậy và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu trong tương lai không xa. Đặc biệt, khi chính sách “luồng xanh” đầu tư dự kiến được thông qua kỳ vọng mang lại cú hích cho đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2024 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hơn 69% doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Dù phải đối mặt với những trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2024 cũng cho thấy các doanh nghiệp Đức vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam. 81% doanh nghiệp tham gia bày tỏ sự hài lòng với hoạt động hiện tại, 50% kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, 35% có kế hoạch tăng đầu tư. Chiến lược tập trung vào năng lượng tái tạo và phát triển bền vững của Việt Nam phù hợp với thế mạnh về công nghệ xanh của Đức, mở ra cơ hội lớn cho sự đổi mới và hợp tác.

Để tận dụng những cơ hội này, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước và tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.

Rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá.

Cùng với đó, tích cực khắc phục một số điểm nghẽn về nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn; khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử;…

Với nhiều lợi thế, Việt Nam đang có cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Năm 2025 và các năm tiếp theo, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)