10:00:44 | 28/4/2014
Bên cạnh những mặt tích cực do nguồn vốn FDI mang lại cho kinh tế Việt Nam như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là những ngành có thế mạnh về xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có lo ngại khi nhiều ý kiến cho rằng, nếu như các dự án FDI ở Việt Nam quá nhiều sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp và dịch vụ.
Nhiều nhưng không tinh
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa mới công bố con số thống kê về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2014 tính đến ngày 20/3, trong đấy có những con số rất đáng chú ý như, tổng vốn đăng ký FDI là 2.046 tỷ USD, bằng 61,4% và vốn FDI tăng thêm của các dự án đang hoạt động là 1.278 tỷ USD, bằng 39,3% cùng kỳ năm 2013. Sự sụt giảm mạnh của nguồn vốn FDI khiến cho nhiều người lo lắng, điều này báo hiệu một xu hướng không mấy khả quan cho nền kinh tế năm 2014.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc nguồn vốn FDI sụt giảm trong những tháng đầu năm 2014 chưa thể phản ánh được đầy đủ về nền kinh tế bởi nguồn vốn FDI là hoạt động dài hạn, số vốn đăng ký và tăng thêm trong một quý phụ thuộc vào tình hình cụ thể, không phản ánh xu hướng phát triển của một năm và vài ba năm, do đó, kết quả trên chưa hẳn đã phản ánh đúng thực tế đang diễn ra.
Nhìn lại một năm trước đó, quý I/2013, dự án Samsung tại Thái Nguyên đã có nguồn vốn đăng ký lên tới 2 tỷ USD (bằng tổng số vốn đăng ký mới cả quý I/2014), hay dự án tăng vốn đăng ký của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã là 2,8 tỷ USD (gấp 2,3 lần vốn tăng thêm của quý I/2014).
Một số tỉnh trước đây có nguồn vốn FDI được đánh giá là nhân tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế tỉnh với tốc độ lên tới hai con số trong nhiều năm như Đồng Nai, Bình Dương hiện nay cũng đang phải đối phó với tình trạng lao động nhập cư do thiếu lao động tại chỗ. Nền kinh tế khó khăn, đa số các doanh nghiệp đều phải thu hẹp sản xuất điều nà khiến cho tình trạng thất nghiệp đang diễn ra khá phổ biến đặc biệt là ở những ở trung tâm kinh tế lớn.
Nguồn vốn FDI cũng đã tạo nên những nét chấm phá cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện Việt Nam được xem là một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, hàng ngàn kỹ sư, với những trung tâm nghiên cứu và phát triển hiện đại.
Tuy nhiên, đa số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam đều ở mức độ nhỏ. Trong số 252 dự án mới được cấp phép thì chỉ có 5 dự án có vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, còn lại 247 dự án đều ở mức trên dưới 1 tỷ USD vốn đăng ký, bình quân gần 4 triệu USD/dự án.
Mặc dù Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Nhưng các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nên quan tâm đến chất lượng các dự án FDI, không nên thu hút các dự án ít vốn, không phù hợp với định hướng mới. Đây là vấn đề đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm chỉ đạo để đánh giá chính xác thực trạng thu hút FDI ở các tỉnh, thành phố.
Trong những thập nên trước đây, hình thức liên doanh trong các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%, điều này đã tạo nên sức lan tỏa khá rõ nét, vì chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý vào một dự án hiện có là ngay lập tức đã làm thay đổi cơ bản tình hình của doanh nghiệp. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tới trên 80%, quý I năm nay với 3,334 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chỉ có 214 triệu USD (hơn 6%) là hình thức liên doanh.
Cần có sự định hướng trong thu hút FDI
Việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn FDI vào trong nước là cần thiết và hết sức quan trọng. Nhưng cũng đã đến lúc Việt Nam cần có sự định hướng trong việc thu hút nguồn vốn này vào những ngành, lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu chứ không nên để việc đầu tư FDI một cách tràn lan, thiếu tính định hướng như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, rất khó xử khi có đến 10 địa phương xin Chính phủ cho mở casino, trong khi chưa có một nghiên cứu nào thật nghiêm túc về thực trạng các dự án “vui chơi có thưởng” (thực chất là casino) đem lại lợi ích gì, kể cả thu ngân sách và đã gây ra tác động tiêu cực như thế nào, để từ đó, Chính phủ cân nhắc chủ trương thu hút FDI vào casino thích hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn FDI cho lĩnh vực công nghệ, dịch vụ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ do hai nhân tố.
Mặc dù Việt Nam còn có những bất cập trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài như hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh, các cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự thông thoáng khiến cho việc hoàn thành các dự án bị kéo dài. Nhưng Việt Nam vẫn có những ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia về sự ổn định chính trị, an ninh, an toàn, chi phí nhân công thấp…
Sự dịch chuyển của nguồn vốn FDI từ năm 2010 cho đến nay cho thấy Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ những công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Điển hình là Samsung bắt đầu từ dự án sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh năm 2007 với vốn đầu tư 650 triệu USD, năm 2013 tăng lên 2,5 tỷ USD, cùng với dự án 2 tỷ USD tại Thái Nguyên và Trung tâm R&D tại Hà Nội hiện có 800 cán bộ nghiên cứu, chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2013, làm cho điện thoại di động trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Dự án của Samsung không xuất phát từ Hàn Quốc, mà dịch chuyển từ các nước láng giềng sang Việt Nam.
Đình Thanh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI