11:16:52 | 17/12/2015
Với sự hồi phục của nền kinh tế cùng với sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô, thị trường BĐS năm 2015 đã có được sự hồi phục đáng kể, tính thanh khoản tăng cao, hàng tồn kho giảm mạnh. Điều này đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi bước vào năm 2016. Theo dự báo, năm 2016, thị trường sẽ có thêm khoảng 60.000- 80.000 căn hộ đến từ nhiều dự án mới (trong đó phân khúc cao cấp chiếm khoảng 70%); thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, giá bán tăng lên khoảng 5- 7%...
Hồi phục tốt
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu sự quay trở lại thị trường Việt Nam của dòng vốn nước ngoài thông qua các hình thức mua bán dự án, đầu tư góp vốn khiến thị trường trở nên sôi động hơn. Kết thúc năm 2015, lĩnh vực BĐS cán đích ở vị trí thứ 3 trong việc thu hút dòng vốn FDI với tổng số 19 dự án đầu tư mới và 7 dự án tăng vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,81 tỷ USD.
Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, năm 2015 đánh dấu sự trở lại của thị trường BĐS, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm khi tính thanh khoản của thị trường được cải thiện rõ rệt. Năm 2015 cũng để lại những dấu ấn quan trọng với thị trường BĐS khi hai luật quan trọng là Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở bắt đầu có hiệu lực, điều này đã mở ra không gian pháp lý mới cho thị trường, tạo nền tảng cho thị trường phát triển bền vững hơn.
Ở một khía cạnh khác, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn – Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) nhìn nhận, với nguồn lực dân số trẻ, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài cũng đang tăng mạnh. Đến nay đã có tổng cộng khoảng 400 giao dịch của nhóm khách hàng này và yêu cầu mua cũng tăng khoảng 30%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cho phép nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết lên 100%, dự báo cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp BĐS thu hút vốn đầu tư.
Bà Ngọc phân tích: “Giá bán tại các dự án đã đi vào hoạt động thấp hơn nhiều so với giá chào bán sơ cấp của các dự án mới tung ra thị trường, tuy nhiên lượng tiêu thụ vẫn đạt ở mức cao cho thấy trong năm 2016 triển vọng thị trường vẫn tốt”.
Còn theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), chỉ tính trong tháng 10, thị trường BĐS Hà Nội và TP HCM đã có 3.250 giao dịch thành công, tăng 3% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2015 đã có 21.150 giao dịch thành công. Tính đến cuối tháng 10/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước ở vào khoảng 56.286 tỷ đồng (giảm 72.262 tỷ đồng (tương đương với 56,21%) so với quý I/2013); so với tháng 12/2013 giảm 38.172 tỷ đồng; so với thời điểm 20/9/2015 giảm 3.109 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng BĐS năm 2015 dự kiến sẽ vào khoảng 350.000 tỷ đồng.
Bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định: “Tôi tin tưởng thị trường BĐS năm 2016 sẽ còn sôi động hơn nhiều so với năm 2015”. Để khẳng định điều này, bà Dung phân tích, thị trường BĐS 2016 sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ như: nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, thị trường đã được tích lũy đủ dài, các luật mới quan trọng đã qua giai đoạn “độ trễ”. Bên cạnh đó, các hiệp định hợp tác quốc tế mới được thông qua cũng sẽ giúp thị trường đón nhận làn sóng đầu tư mới từ người nước ngoài.
Nhận định về thị trường BĐS trong năm 2016, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, năm 2015 thị trường BĐS đã hồi phục ngoạn mục, lòng tin của nhà đầu tư đã trở lại. Bước sang năm 2016, nhà đầu tư cần phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội do thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vẫn còn thấp (2.000 USD). Các ngân hàng, và cơ quan chức năng nên tiếp tục có các gói cho vay BĐS với kỳ hạn dài hơn để tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp có nhà.
Khó xảy ra bong bóng BĐS
Theo dự báo của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư của Công ty CK Maritimesbank, năm 2016, thị trường BĐS sẽ nằm trong nhóm đầu các ngành thu hút dòng vốn tốn nhất trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu nắm lợi thế dẫn đầu lĩnh vực như: đầu tư quản lý khu công nghiệp (dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết); những cổ phiếu của các nhà thầu thi công lớn như Cteccons và Hòa Bình…đây là những đơn vị có năng lực thi công, nguồn vốn tốt, kỹ thuật…
Với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù vẫn chưa có cái nhìn lạc quan về TTCK năm 2016 nhưng ông vẫn khẳng định, với khả năng hồi phục của thị trường BĐS, thì đây vẫn là mảng có được những điểm lạc quan nhất của TTCK trong năm 2016. “Các yếu tố tiêu cực vẫn tồn tại, nên còn nhiều điểm không thể lạc quan về TTCK. Cái tôi thấy lạc quan ở TTCK năm 2016 là lĩnh vực hàng tiêu dùng, điện tử và đặc biệt là BĐS”, ông Hiếu khẳng định.
Khi thị trường BĐS bắt đầu hồi phục thì tình trạng chênh lệch giá cũng bắt đầu có dấu hiệu lan rộng, hiện tượng trên đã xuất hiện ở những dự án thuộc phân khúc trung cấp thu hút được sự quan tâm của người dân vào giai đoạn nửa cuối năm 2015. Điều này đang khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu với tốc độ hồi phục của thị trường BĐS, năm 2016 liệu có xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS?
Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc tập đoàn FLC, thị trường BĐS 2016 sẽ phát triển mạnh nhưng tình trạng bong bóng sẽ ít có khả năng xảy ra. “ đợt điều chỉnh của thị trường trong suốt một thời gian dài vừa qua vô hình dung đã sàng lọc thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư và giới đầu cơ. Người mua nhà cũng đã tỉnh táo hơn so với trước đây khi họ chỉ tìm đến với những chủ đầu tư có tiềm lực, uy tín, thi công đúng tiến độ. Đồng thời hệ thống văn bản pháp lý đã được điều chỉnh để đảm bảo thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn”, bà Dung nói.
Như vậy, đa số các chuyên gia đều có chung nhận định, thị trường BĐS năm 2016 sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Các phân khúc đều có những thế mạnh riêng, tình trạng bóng bóng BĐS chưa thể xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải thận trọng đối với vấn đề này.
Lương Tuấn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI