Năm 2014, Tập đoàn GFS đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Dược khoa-Trường Đại học Dược Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Dược Khoa-DK Pharma), để tham gia phát triển vùng dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại các huyện vùng 30a của tỉnh Hà Giang. Với sự cộng tác của các chuyên gia đầu ngành cùng sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, GFS đã và đang tích cực tạo giá trị gia tăng cho cộng đồng, từng bước đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu, đồng thời góp phần xây dựng Việt Nam trở thành “Vườn dược liệu của thế giới”.
|
Ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS
|
Khát vọng trên miền cao nguyên đá
Tỉnh Hà Giang có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù khá thuận lợi để phát triển các loại dược liệu nên từ lâu đời vùng đất này như một vườn thuốc tự nhiên khổng lồ. Theo các tài liệu khảo sát, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.100 loài cây dược liệu, phân bố rộng rãi trên các vùng có độ cao từ 1.000- 1.600m so với mực nước biển, trong đó có một số loài thuốc có giá trị kinh tế cao như: hồi, thảo quả,ý dĩ, ấu tẩu, nghệ đen, đỗ trọng, óc chó, sa nhân, hương thảo, giảo cổ lam, bạch chỉ… Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang - ông Triệu Tài Vinh, người có nhiều tâm huyết với ngành nông nghiệp của tỉnh chia sẻ: Ở Hà Giang, đồng bào trồng cây dược liệu cũng như ở các tỉnh đồng bằng người nông dân trồng cây lúa nước, rất tự nhiên và thuận lợi. Song để bật dậy tiềm năng, để đồng bào trên vùng cao nguyên đá vươn lên thoát nghèo luôn là bài toán lớn đặt ra cho các cấp chính quyền. Đây cũng chính là cơ sở khoa học để tỉnh Hà Giang quy hoạch và triển khai Chương trình Phát triển cây dược liệu giai đoạn 2012 - 2020 tại 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dự án trồng cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện trong Chương trình 30a (gồm Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần) được Chính phủ phê duyệt (theo văn bản số 2715/VPCP-KGVX ngày 5/4/2013 của Văn phòng Chính phủ về chủ trương lập dự án phát triển cây dược liệu gắn với xoá đói giảm nghèo tạo 6 huyện nghèo 30a) và được các bộ, ngành chức năng của Trung ương thẩm định với quy mô 12.581ha, trong đó diện tích trồng mới 5.180ha với tổng số vốn thực hiện dự án 2.932 triệu đồng, gồm vốn Nhà nước, doanh nghiệp và của các hộ nông dân. Có thể nói việc lập Dự án được xem là hướng đi đúng đắn để Hà Giang thực hiện công cuộc nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới. Phát triển dược liệu cũng được Tỉnh uỷ Hà Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định là một trong hai lĩnh vực trọng tâm (cùng với du lịch) thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển bền vững.
Bắt tay vào triển khai dự án, tỉnh Hà Giang đã tăng cường quảng bá, xúc tiến mời gọi nhà đầu tư chung tay phát triển vùng dược liệu của tỉnh. Từ sự cầu thị, thiết tha của các cấp chính quyền và tấm chân tình của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhiều doanh nghiệp đã đến Hà Giang chung tay thực hiện khát vọng xây dựng nơi đây trở thành vùng dược liệu trọng điểm của cả nước. Trong các nhà đầu tư đến với Hà Giang có sự hiện diện của Tập đoàn GFS thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo ở 6 huyện 30a” với UBND tỉnh Hà Giang vào ngày 18/9/2014, tại Hà Nội. Phát biểu trong lễ ký kết, Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh: "Việc phát triển dược liệu tại Hà Giang không chỉ nâng cao cuộc sống người dân, doanh nghiệp được lợi, mà còn có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Còn ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS chia sẻ: “GFS quan tâm phát triển lĩnh vực dược liệu, với mong muốn thúc đẩy xây dựng Việt Nam trở thành “vườn dược liệu của thế giới”. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ góp phần đánh thức tiềm năng tại các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân”.
Đồng hành đưa Hà Giang thành vùng trọng điểm dược liệu
Sau 20 năm thành lập, GFS là tập đoàn đầu tư đang sở hữu cổ phần lớn, chi phối của hơn 10 công ty thành viên sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, xây dựng hạ tầng, thương mại dịch vụ, năng lượng, khoáng sản, chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, GFS đã đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và được tặng nhiều danh hiệu khen thưởng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Hiện GFS đang thực hiện những dự án đầu tư trọng điểm như: dự án Five Star Garden Số 2 Kim Giang - Thanh Xuân - Hà Nội, dự án Five Star Mỹ Đình tại Khu đô thị mới Mỹ Đình Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Viện Công nghệ GFS với nhiều dự án nghiên cứu cấp Nhà nước, nhà máy phân bón tại xã Kiền Bái - huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, Thủy điện Sông Âm - huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa... Đặc biệt, năm 2014, GFS đã hợp tác với DK Pharma để tham gia các hợp tác xã phát triển dược liệu tại Quản Bạ, Hà Giang thực hiện Dự án phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo ở các huyện 30a Hà Giang, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Hà Giang vào lĩnh vực dược liệu đối với các doanh nghiệp.
Với định hướng phát triển bền vững, gắn liền với mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại Hà Giang, GFS đã đầu tư hàng tỷ đồng vào lĩnh vực trồng, sản xuất và chế biến dược liệu tại huyện Quản Bạ và đầu tư phát triển Trung tâm ứng dụng công nghệ cao tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên. Sản xuất một số sản phẩm tiêu thụ trên thị trường như: Chè Atiso; cao lọc Atiso; củ Bạch Chỉ; Đương Quy…, bước đầu cho thấy hiệu quả trong kinh doanh. Mục tiêu Dự án là trồng các loại cây dược liệu phù hợp tại vùng trọng điểm 6 huyện 30a, theo đó trồng và bảo tồn trên 12.600 ha gồm: 7.400 ha đã có và trên 5.200 ha trồng mới theo tiêu chí GACP (thực hành tốt trồng trọt dược liệu) và GCP (thực hành tốt thu hái dược liệu). Hình thành chuỗi giá trị dược liệu với các chủ thể gồm: Trên 15.000 hộ, các doanh nghiệp, HTX, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học… Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu; nghiên cứu và ứng dụng các chuỗi công nghệ đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn, ổn định, có khả năng cạnh tranh…
Trong đó, Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, huyện Quản Bạ là một trong 5 hợp tác xã được GFS và DK Pharma hỗ trợ tham gia đề án trồng cây dược liệu từ năm 2012 - 2015.Kết quả trồng thử nghiệm cây dược liệu năm 2014 của Nặm Đăm cho hiệu quả khá tốt, riêng cây atiso cho thu nhập khoảng 8 - 9 triệu đồng/1.000m2... Từ tháng 10/2014, được sự cam kết bao tiêu của GFS, hỗ trợ về kỹ thuật của DK Pharma, Hợp tác xã đã tiến hành trồng thử nghiệm 1,5 ha cây đương quy và bạch chỉ bằng phương pháp trồng thẳng, sử dụng che phủ nylon để giữ ẩm cho luống trồng. Mặc dù trồng thẳng không qua giai đoạn vườn ươm nhưng tỷ lệ nảy mầm vẫn đảm bảo trên 90%, đồng thời mạnh dạn trồng và nhận bao tiêu 3 ha dược liệu actiso ở dạng cao. Ông Lý Tà Dèn, Chủ tịch Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm cho biết: “Hợp tác xã đang nỗ lực chuẩn hóa nền canh tác và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP, tích cực thu mua và bao tiêu các sản phẩm dược liệu tươi từ các thành viên hợp tác xã và các hộ nông dân góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương”.
Ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS cho biết thêm: “Phương châm kinh doanh của GFS là “tạo ra những sản phẩm mà khách hàng mong muốn”. Chính vì vậy, GFS đã và đang nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu thị trường của Hà Nội và các tỉnh phía bắc đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc sắc, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao”. Tại Quản Bạ, Hà Giang, Tập đoàn GFS đã và đang giúp huyện tạo dựng mô hình hợp tác xã sản xuất dược liệu tại các xã trên địa bàn với hình thức công ty giúp đỡ về kỹ thuật và góp vốn cổ phần vào hợp tác xã để trồng, chế biến dược liệu. Dùng thế mạnh dược liệu đẩy mạnh công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, làm cho nhân dân có thuốc tốt, khỏe mạnh và giàu có, làm cho các vùng kinh tế còn khó khăn, tiến và đuổi kịp các vùng khác trong cả nước.
Đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động phát triển dược liệu của GFS đã tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu đưa Hà Giang trở thành tỉnh trọng điểm quốc gia về dược liệu. Hiện GFS vẫn đang tiếp tục đầu tư cho dự án và nghiên cứu mở rộng quy mô tại địa bàn tỉnh Hà Giang cũng như tại một số tỉnh thành khác. Với định hướng phát triển rõ ràng và lâu dài, GFS kỳ vọng dự án sẽ góp phần đánh thức tiềm năng tại các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân, tạo giá trị gia tăng bền vững cho cộng đồng.