Sau cổ phần hóa các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả

17:36:25 | 11/4/2019


Đề án: “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020” nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập tốt với thế giới đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng 4.0 do Chính phủ đề ra đang bước vào giai đoạn cuối. Trong ngành giao thông vận tải, vấn đề này đã được thực hiện ra sao? Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum. Lương Tuấn thực hiện.

Xin ông cho biết tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc sự quản lý của Bộ GTVT đến thời điểm này là như thế nào?

Đến nay, toàn bộ doanh nghiệp nhà nước do Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc diện cổ phần hóa theo quy định đã hoàn thành việc chuyển đổi sang công ty cổ phần. Riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang công ty cổ phần và hoàn tất quá trình cổ phần hóa sẽ do Ủy ban tiếp tục thực hiện.




Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực GTVT, Bộ đã gặp những khó khăn gì và cách thức để giải quyết trong thời gian tới như thế nào?

Quá trình cổ phần hóa, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển đổi (Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP). Các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đã được Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo kiến nghị giải pháp tháo gỡ nhằm đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: việc lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, tư vấn phương án cổ phần hóa; việc thực hiện điều chỉnh giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp…Các kiến nghị nêu trên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, kịp thời ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế (như Nghị định số 126/2017/NĐ-CP).

Sau khi cổ phần hóa, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp là như thế nào? Họ có gặp khó khăn, thách thức gì không thưa ông?

Trong giai đoạn đến năm 2016, khi Bộ GTVT còn là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, qua tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sau cổ phần về cơ bản đều hoạt động hiệu quả hơn, có lãi, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Sau năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp này do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Hội đồng quản trị các doanh nghiệp điều hành, chỉ đạo quản trị. Bộ GTVT chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định.

Mục tiêu sắp tới của Bộ GTVT trong việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ như thế nào? Đâu là các doanh nghiệp sẽ được “ưu tiên” để thực hiện cổ phần hóa?

Hiện nay, sau khi chuyển doanh nghiệp 05 Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, Hàng không Việt Nam - CTCP, doanh nghiệp còn lại thuộc Bộ GTVT chủ yếu là các doanh nghiệp cung cấp công ích đảm hoạt động bay, bảo đảm an toàn hàng hải, xuất bản và các doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long). Đây đều là những doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Bộ GTVT sẽ tập trung giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, phấn đấu thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu lại doanh nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trân trọng cảm ơn ông!