14:49:48 | 5/5/2010
Hơn 40 năm trước, người Thái Bình được tôn vinh là “quê hương 5 tấn” đầu tiên của miền Bắc, góp công lớn trong công cuộc kháng chiến thời kỳ đó. Ngày nay, không chỉ năng suất lúa đã tăng gấp đôi, gấp ba lần; Thái Bình còn có nhiều cây trồng vật nuôi khác có giá trị kinh tế tạo nên một nền nông nghiệp Thái Bình đa dạng.
Đó là nhờ thành công của chương trình chuyển đổi mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, lựa chọn những cây trồng vật nuôi có giá trị cao hơn – một trong năm chương trình trọng điểm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII thông qua.
Sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình trong những năm gần đây phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm đạt 4,53%, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 68,5% năm 2005 xuống 61,78% năm 2008; chăn nuôi tăng từ 28% lên 35,36%, thủy sản tăng từ 9,46% lên 13,19%. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Đến năm 2008 Thái Bình đã thực hiện chuyển đổi được 10% diện tích canh tác sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, trong có có 16 dự án chuyển đổi sang thủy sản (với diện tích 889,5 ha), 7 khu chăn nuôi tập trung (81,5ha). Bên cạnh đó, tỉnh vẫn duy trì ổn định lĩnh vực then chốt là sản xuất lương thực.
Sản xuất lúa liên tục được mùa, năng suất lúa ổn định 126 -130 tạ/ha, đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Quan trọng hơn là có 2/3 diện tích trồng trọt của tỉnh chuyển sang trồng giống lúa ngắn ngày, nhằm nâng dần về diện tích cũng như chất lượng các cây màu và cây vụ đông. Diện tích cây màu và cây vụ đông bình quân 3 năm đạt 54.756 ha, giá trị sản xuất vụ đông đạt trên 600 tỷ đồng/năm, góp phần làm tăng giá trị sản xuất trên mỗi ha canh tác. Năm 2008, giá trị sản xuất đạt gần 70 triệu đồng/ha/năm, thu nhập và đời sống của nông dân ngày càng nâng cao rõ rệt. Đây là kết quả đáng khích lệ trong phong trào 50 triệu đồng/ha của cả nước.
Trong 3 năm 2005-2008, giá trị sản xuất chăn nuôi của Thái Bình tăng bình quân 8,89%, đặc biệt, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những nét cơ bản theo phương thức công nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi rất đa dạng, phong phú, bao gồm các loại sản phẩm gia súc, gia cầm như lợn, gà, trâu, bò, vịt…, trong đó sản phẩm thế mạnh và mang đậm nét đặc trưng của Thái Bình là lợn sữa, lợn thịt và gia cầm (trứng, thịt gà, vịt.). Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có trên 1 triệu con lợn, trong đó sản lượng lợn thương phẩm đạt tới 800 đến 900 ngàn con, tương đương khoảng 120.000 tấn thịt hơi. Đáng chú ý, phong trào nuôi lợn theo quy mô trang trại, gia trại có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.889 trang trại tập trung và nhiều gia trại vừa và nhỏ, có nhiều trang trại quy mô lên đến 3.000 - 4.000 con. Không chỉ quan tâm đến việc mở rộng, phát triển quy mô về số lượng, chất lượng các loại sản phẩm thịt lợn cũng được các chủ trang trại, gia trại quan tâm và coi đó như một yếu tố tính chất quyết định đến sự thành, bại trong kinh doanh. Vì vậy đến năm 2008, toàn tỉnh có 14.833 trang trại và gia trại, tăng gấp 2 lần năm 2005. Đây là cơ sở để ngày càng có nhiều doanh nghiệp về đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn theo phương thức hiện đại.
Phát huy lợi thế trên 50 km bờ biển và 5 cửa sông lớn, bãi triều bồi đắp hàng năm lấn ra biển, Thái Bình đẩy mạnh phát triển cả nuôi trồng khai thác và dịch vụ thuỷ sản. Đặc biệt những năm gần đây, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản có sự bứt phá mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất, sản lượng và loại hình nuôi. Điển hình như năm 2008, toàn tỉnh đạt tổng sản lượng 84.000 tấn tăng 38% so với năm 2005. Điều đáng ghi nhận hơn cả là lĩnh vực nuôi trồng đang từng bước chuyển sang hướng sản xuất hàng hoá với kỹ thuật nuôi thâm canh tiên tiến các loài có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá song, cá hồng....
Tiếp tục những thành quả đã đạt được, Ông Nguyễn Hữu Rong – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết: “Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, để ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò nền tảng cho quá trình hội nhập và phát triển sâu rộng của Thái Bình”.
PV
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.