Vũ Thư: Cửa ngõ năng động

14:26:21 | 6/5/2010

Huyện nằm giữa hai trung tâm kinh tế là thành phố Thái Bình và thành phố Nam Định, được bao bọc bởi sông Hồng và sông Trà Lý với những cánh đồng màu mỡ, bờ bãi bốn mùa xanh tốt, có cầu Tân Đệ nối nhịp giao thương, QL 10 chạy qua đảm bảo lưu thông trong tam giác kinh tế bắc bộ Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh.

Vũ Thư là huyện cửa ngõ phía tây của tỉnh Thái Bình có diện tích hơn 190 km2, dân số trên 22 vạn người, mật độ dân số 1.152 người/km2, số người trong độ tuổi lao động chiếm 56%. Vũ Thư được "trời phú" cho mảnh đất màu mỡ là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp phong phú. Hiện nay, ở một số xã, truyền thống sản xuất lúa gạo đặc sản quê hương vẫn được duy trì như nếp cái hoa vàng Duy Nhất, Tám thơm bẹ Vũ Vân. Đặc biệt, mốc đánh dấu cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp Vũ Thư chính là chủ trương chuyển dịch cơ cấu giống lúa của huyện từ năm 2003. Không chỉ có lúa, người Vũ Thư còn giỏi thâm canh nhiều loại cây trồng khác cho năng suất cao như: rau, đậu các loại, ngô, khoai, mía,... với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng gần xa như: chè tươi Nam Lục, chiếu cói La Xuyên, dưa làng La, cà Phúc Khánh, tương Phương Tảo,... Rau quả của Vũ Thư quanh năm phong phú, mùa nào thức ấy nên đã gần như chiếm chọn thị trường Nam Định, Thái Bình. Đất đai Vũ Thư còn rất thuận lợi để trồng các loại cây công nghiệp như: dâu, đay, đậu tương, lạc. Trồng trọt khởi sắc đã tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Huyện đã xây dựng hai cơ sở sản xuất giống lợn ngoại với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong những năm tới. Thành công trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là nền tảng để huyện thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Những năm qua, nhằm phát triển nghề, huyện đã đầu tư trên hàng tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề, trang bị kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường. Qua đó, Vũ Thư đã thu hút hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất. Đến năm 2006, 100% xã trong huyện đã có nghề. Năm 2008, toàn huyện có trên 60 nghề và 25 xã, làng nghề đạt tiêu chuẩn, tạo việc làm ổn định cho hơn gần 4 vạn lao động. Sản phẩm của các làng nghề ở Vũ Thư theo đó từng bước lấy lại và khẳng định được vị trí trên thị trường. Huyện đã quy hoạch hai cụm công nghiệp Tam Quang và thị trấn với diện tích gần 80 ha. Một số dự án lớn đã đầu tư và đi vào hoạt động như: cụm công nghiệp Tam Quang đã tiếp nhận dự án dệt may xuất khẩu Hải Phòng với mức vốn đầu tư 3,5 triệu USD, nhà máy gạch cao cấp Đại Thắng, nhà máy giày da và thiết bị điện tử do Tổng Công ty da giày Bình Dương đầu tư với số vốn khoảng 350 tỷ đồng (giai đoạn I), nhà máy đóng tàu trọng tải 3.000 - 5.000 tấn của Tổng Công ty cổ phần vận tải thuỷ Việt Nam,...

Đặc biệt, huyện đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống đường, kè tuyến sông nối liền sông Hồng và sông Trà Lý và khu dân cư đô thị bờ nam sông Kiên Giang, được tỉnh duyệt cho phép đầu tư theo hình thức đổi đất lấy công trình. Tương lai không xa, đây sẽ là khu vực có cảnh quan đẹp bậc nhất khu vực đồng bằng Bắc bộ. Kết hợp cung đường này với các tuyến đi thăm quan di tích lịch sử chùa Keo (Duy Nhất), Khu lưu niệm Bác Hồ (Tân Hoà), đình Phương Cáp (Hiệp Hoà) và làng vườn Bách Thuận sẽ tạo cho Vũ Thư những tour du lịch hấp dẫn khách thập phương.

Năm 2008, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, ảnh hưởng của tình hình lạm phát, giá cả thị trường, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao,… song dưới sự lãnh chỉ đạo, quản lý điều hành của Cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân nên tình hình kinh tế của huyện phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tiến bộ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.573,207 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản đạt 684,37 tỷ đồng; công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 540,762 tỷ đồng; thương mại dịch vụ đạt 348,047 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại: nông nghiệp 43,50% - công nghiệp, xây dựng cơ bản 34,37 - thương mại dịch vụ 22,13%.

Vũ Thư đang tích cực đổi mới cơ chế quản lý, khai thác và phát huy các tiềm năng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện công bằng xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc phát huy yếu tố nội lực, huyện rất mong được đón nhận sự đầu tư, giúp đỡ của Chính phủ, các tổ chức và cá nhân bên ngoài, cùng chung tay xây dựng quê hương Vũ Thư ngày càng văn minh, giàu mạnh.

PV