10:01:12 | 15/10/2019
Xác định khoa học công nghệ là động lực để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp Bình Phước đã nỗ lực nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh. Xoay quanh câu chuyện làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) của Bình Phước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỹ Châu thực hiện.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình thực hiện các mô hình phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh?
Bình Phước có 7 DN và hợp tác xã (HTX) đăng ký thực hiện các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNCNC trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 590 ha. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xúc tiến hoàn thành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Về tình hình thực hiện các dự án NNUDCNC, trong lĩnh vực trồng trọt tỉnh đã từng bước hoàn thành đưa vào hoạt động phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật bằng các phương pháp Invitro để phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm của địa phương; nhân giống thành công các loại cây trồng chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 ha nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất NNUDCNC, sản phẩm chủ yếu là rau, hoa, quả…; trong đó có khoảng 50 ha nhà màng ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để trồng dưa lưới cho thu nhập khoảng 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 138/334 trang trại chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình trang trại kín, trong đó có 98/251 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng Silo và hệ thống nước uống tự động vào mỗi dãy chuồng nuôi; 40/83 trang trại chăn nuôi gia cầm có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, 100% các trang trại có hệ thống nước uống tự động. Quy mô chăn nuôi từ 5.000 - 400.000 con.
Toàn tỉnh có 68 HTX hoạt động trong lĩnh vực NNUDCNC - cây trồng (rau, củ, quả, cây ăn trái); có 44 cơ sở được chứng nhận VietGAP. Các trang trại đã áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa, công nghệ tưới, áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để giảm sức lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, hiện tỉnh có khoảng 435 cơ sở và DN kinh doanh, chế biến hạt điều, trong đó phần lớn các DN đã đưa cơ giới hoá và tự động hoá vào các khâu: Phân cỡ, tách nhân, bóc vỏ lụa, sấy khô, đóng gói. Một số DN đã áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP; cơ bản đã tự động hoá khoảng 90% trong quá trình chế biến và xuất khẩu nhân điều.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang thu hút các DN trong và ngoài nước thực hiện đầu tư các dự án NNUDCNC như: Công ty Thanh Lễ với quy mô 331 ha, tập trung sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tại huyện Chơn Thành; Công ty CP Đầu tư và Phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 20 ha tại huyện Lộc Ninh; Công ty Ngọc Trâm sản xuất giống và cây ăn quả chất lượng cao với diện tích 80 ha tại huyện Đồng Phú… Công ty Cao su Đồng Phú cũng đã triển khai thí điểm mô hình trồng chuối UDCNC với quy mô 30 ha, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đang lập thủ tục mở rộng và thành lập khu trồng chuối UDCNC với quy mô khoảng 500 ha tại huyện Đồng Phú.
Trong quá trình hoạt động, công tác tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách, quản lý và hỗ trợ các DN được ngành nông nghiệp chú trọng ra sao?
Căn cứ vào Nghị định 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan đang xây dựng chính sách để tham mưu ban hành trong thời gian tới. Hiện chúng tôi đang tổ chức xây dựng "Đề án thành lập Khu NNUDCNC TX.Đồng Xoài", đồng thời dự thảo Tiêu chí xét chọn công nghệ đầu tư; Quy chế quản lý và hỗ trợ đối với nhà đầu tư trình UBND tỉnh thành lập và ban hành để làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án NNCNC vào trong Khu.
Đối với các dự án đầu tư phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 01/2016/UBND ngày 7/1/2016 của UBND tỉnh và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư khác theo quy định của Nhà nước hiện hành.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn hỗ trợ cho các DN có định hướng đầu tư xây dựng các Khu NNUDCNC đã được UBND tỉnh cho chủ trương xã hội hoá để thực hiện quy trình, lựa chọn công nghệ, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước. Chủ trì hướng dẫn và xem xét công nhận DN NNUDCNC đối với các DN đạt tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng phát triển NNUDCNC tại Bình Phước trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ngành nông nghiệp xác định phát triển NNCNC là phù hợp với điều kiện khách quan, xu thế phát triển của thời đại và Bình Phước là một trong những tỉnh trọng điểm hội tụ đủ các yếu tố để phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình NNUDCNC tại các địa phương trong tỉnh, ngành nông nghiệp cũng tập trung xây dựng các mô hình tại Khu NNUDCNC để làm hạt nhân liên kết phát triển ra vùng sản sản xuất. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng hoàn chỉnh Khu NNUDCNC TX.Đồng Xoài làm cơ sở để phát triển cho các khu khác. Đồng thời phối hợp với các ngành chuyên môn tham mưu nội dung để trình UBND tỉnh ban hành các chính sách và các quy định cụ thể nhằm hỗ trợ, thu hút, quản lý, khai thác hạ tầng để thực hiện, tạo điều kiện tối ưu cho DN, HTX, người sản xuất có điều kiện tiếp cận được các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này. Khuyến khích xã hội hoá tối đa đầu tư, xây dựng tại các khu và vùng sản xuất NNUDCNC. Lấy DN, HTX, liên hiệp HTX làm chủ thể; thành viên HTX, nông dân sản xuất là vệ tinh để xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ cho nông sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các lĩnh vực trọng tâm như: Công nghệ trong công tác chọn tạo và nhân giống, công nghệ về canh tác hữu cơ và canh tác thủy canh, công nghệ vi sinh, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm sau thu hoạch…; ngành nông nghiệp cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý, xây dựng thể chế, nghiên cứu thực nghiệm, tổ chức sản xuất cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, DN, HTX đến nông dân nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất cao hơn trong tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
6/4/2023
Hội trường số 1 tầng 7, VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội
06-08/4/2023
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ