Thu hút FDI: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm

10:06:09 | 21/7/2022

Đại dịch Covid kéo dài suốt hơn 2 năm đã đình trệ mọi hoạt động giao thương kinh tế và đặc biệt chiến tranh Ukraina đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng ảm đảm. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của nền kinh tế, FDI vào Việt Nam là điểm sáng trong những tháng đầu năm.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu  năm đạt hơn 91,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, xét về tổng thể chung, FDI là một điểm sáng với xu hướng tích cực với 2 dự án đầu tư tỷ đô mới, gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.

Vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài trong 2 quý tăng 65,6%, đạt 6,82 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Đồng thời vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Các chỉ số này phản ánh rõ xu hướng phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút dòng vốn FDI.

Sở dĩ có được kết quả này, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, là nhờ sự các quyết sách đúng đắn của Chính Phủ. Cụ thể, từ giữa tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp quay lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Thêm vào đó là áp dụng  quyết sách trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội giúp nền kinh tế Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2021. Ngoài ra, lợi ổn định chính trị, vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, v.v. cũng là những điểm khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, từ đó tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây.

Tuy nhiên, theo báo cáo, việc thu hút FDI cũng có nhiều những khó khăn khi mà các quốc gia trong khu vực và thế giới đều quan tâm dòng vốn ngoại này vì thế Việt Nam cần có giải pháp lâu dài để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.

Theo Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp. Cụ thể, tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh thành, các vùng miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Giang Tú (Vietnam Business Forum)