14:29:07 | 20/12/2022
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đối với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
Khai thác mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển
Theo Dự thảo Báo cáo Quy hoạch, Vĩnh Phúc sẽ khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện đại, sạch đẹp, kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và đáng sống. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành…
Quy hoạch cần bám sát hơn nữa tình hình thực tế
Góp ý vào quy hoạch, lãnh đạo các huyện, thành phố đều nhất trí với các nội dung do đơn vị tư vấn báo cáo tại Hội thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, quá trình lập quy hoạch cần bám sát hơn nữa tình hình thực tế của các địa phương. Đơn cử, với thành phố Vĩnh Yên, khi lập quy hoạch cần quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm giảm tải cho hạ tầng xử lý nước thải hiện có. Quan tâm quy hoạch địa điểm, xây dựng nhà máy nước sạch tập trung, khu vực xử lý rác thải cho thành phố và hệ thống nghĩa trang tại các xã, phường.
Đối với huyện Tam Dương, cần lưu ý việc điều chỉnh dự báo dân số trên địa bàn; bổ sung những ngành, nghề có lợi thế để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững; thương mại, dịch vụ cũng cần quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng của huyện.
Đối với huyện công nghiệp Bình Xuyên, cần rà soát, bổ sung những nội dung cụ thể liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ... phục vụ phát triển công nghiệp. Ngoài ra, cần điều chỉnh dòng chảy của một số con sông đang nằm trong lõi khu công nghiệp của huyện để tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Bổ sung vào quy hoạch một số cụm công nghiệp để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của các làng nghề truyền thống ở địa phương.
Với huyện Vĩnh Tường, cần khai thác tối đa những tiềm năng sẵn có của địa phương, đưa vào quy hoạch việc xây dựng hệ thống cảng hàng hóa đường thủy trên địa bàn huyện trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch để việc lập và triển khai quy hoạch đạt hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và bổ sung những nội dung đề xuất vào quy hoạch. Trong quá trình điều chỉnh, cập nhật, cần phân tích rõ những ưu thế, thuận lợi cũng như khó khăn, hạn chế của tỉnh và đưa ra các giải pháp cụ thể…
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI