Những chuyến đi và sự kiện lịch sử

16:30:05 | 3/5/2023

42 năm gắn bó với VCCI kể từ khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương vào năm 1976 cho đến khi nghỉ hưu, VCCI đã trở thành một phần cuộc đời gắn bó vô cùng sâu sắc với ông Hoàng Văn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực VCCI. Trong chặng đường dài đam mê và cống hiến cùng VCCI, song hành cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN), vượt qua bao khó khăn, thăng trầm, nhiều sự kiện, hình ảnh để lại trong ông những ấn tượng không quên. Ông đã chia sẻ với phóng viên về một số kỷ niệm trên chặng đường đó.


Năm 2006 - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI Hoàng Văn Dũng (thứ 2 từ bên trái - hàng thứ nhất) chụp ảnh cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương (đầu tiên bên trái - hàng thứ nhất) và nguyên thủ các nền kinh tế APEC

“Tốt nghiệp khóa phiên dịch 2 - Đại học Ngoại thương, tháng 9 /1976, tôi được về công tác tại VCCI, một đơn vị thuộc Bộ Ngoại thương. Khi đó, VCCI chỉ có 1 trụ sở khá khiêm tốn ở 33 Bà Triệu, Hà Nội với khoảng 20 cán bộ nhân viên. Sau giải phóng miền Nam, VCCI tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại - Công kỹ nghệ Sài Gòn, tổ chức Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP.Hồ Chí Minh, bắt đầu mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước. Lúc này, nhiệm vụ chủ yếu của VCCI là thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước tư bản, phục vụ yêu cầu của nền kinh tế sau chiến tranh, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong nước. Các phòng, ban chủ yếu lúc đó chỉ có Ban Quan hệ quốc tế, Ban Hội chợ - Triển lãm, sau đó thành lập thêm Ban Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Tổng hợp với khoảng 100 DN nhà nước là hội viên,…

Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm chức “chủ nhà” trong cả hai vai trò là Chủ tịch của Hội đồng Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh các nhà lãnh đạo APEC (ABAC). Đảm nhận chức Chủ tịch ABAC Việt Nam cũng là Chủ tịch ABAC 2006, lúc đó cảm xúc của ông thế nào?

Tháng 5/2005, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải đã ký quyết định bổ nhiệm tôi là Chủ tịch ABAC Việt Nam, cùng với các ông Đặng Thành Tâm và ông Nguyễn Thanh Hùng là thành viên ABAC Việt Nam, tham gia các hoạt động liên quan đến ABAC và APEC.

Năm 2006 là năm Việt Nam được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề rất mới đối với DN Việt Nam. DN chúng ta phải đứng trước một bối cảnh mở cửa thị trường, mở cửa dịch vụ, cũng có nghĩa là đứng trước thách thức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia lớn của thế giới.

Bởi vậy, việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch của APEC 2006 và Chủ tịch ABAC 2006 là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế. Tham gia ABAC, DN Việt Nam có cơ hội góp tiếng nói chung cùng cộng đồng DN APEC tư vấn cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhằm tạo điều kiện hoàn thiện và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.

Tại Hội nghị và Diễn đàn lần này, trước hết chúng tôi đã kiến nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cần sớm thống nhất để có thể nhanh chóng hình thành thị trường mậu dịch tự do trong khu vực APEC. Thứ hai là có một chính sách phát triển cho DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các chính sách về vốn; hỗ trợ đào tạo, giảm thiểu thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN bằng cách giảm thiểu chi phí đầu vào (điện, viễn thông, vận tải,...). Tóm lại, nếu chỉ gói gọn trong một câu thì thông điệp chính mà chúng tôi muốn gửi tới Hội nghị và các Diễn đàn lần này là: “Tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển" và "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN”.

Tuy nhiên, phải nói rằng, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị APEC và ABAC tại Việt Nam, vấn đề chúng tôi lo lắng nhất không phải khâu phối hợp tổ chức như thế nào, sẽ làm gì,… mà chính là nguồn tài chính để thực hiện, bởi ngân sách nhà nước khi đó không cung cấp cho sự kiện này và cũng không có nguồn lực sẵn có nào. Chúng tôi đã kêu gọi hỗ trợ, tài trợ bằng nhiều kênh khác nhau, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn tham gia tài trợ. Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 đã thu hút được khoảng 500 DN quốc tế, trong đó có những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng đã đến nói chuyện với các DN.

Tổng số tiền được tài trợ lúc đó khoảng 6 triệu USD. Có lẽ cũng bởi 7 năm sống, học tập, làm việc ở Anh đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, hiểu được tâm lý, cách thức làm việc của các DN nước ngoài nên đã thành công trong việc kêu gọi nguồn tài chính cho Hội nghị. Sau thành công của Hội nghị, tôi đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sau thành công của APEC 2006, năm 2017, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức Hội nghị APEC và ABAC tại Đà Nẵng, tôi đã tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau sự kiện này, tôi cũng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nói thực, trong tôi cũng có chút tự hào khi hiếm có ai trên thế giới được tham gia tổ chức Hội nghị APEC 2 lần, và được bắt tay với nguyên thủ 21 nền kinh tế trong APEC như vậy, được đi họp và làm việc tại 21 nền kinh tế trong APEC.

Là một trong những người tiên phong dẫn các đoàn DN Việt Nam đi “khai phá” thị trường các nước tư bản khi Việt Nam còn chưa hội nhập sâu rộng như bây giờ, chuyến đi nào khiến ông thấy trắc trở, gian nan hoặc thành công nhất?

VCCI có thể tự hào là nơi tổ chức và mở ra quan hệ không chỉ về mặt kinh tế, thương mại, đầu tư với rất nhiều nước; VCCI chính là  “đầu tàu” dẫn dắt các DN Việt Nam mở rộng quan hệ với thế giới.

Năm 1988, tôi có dẫn đoàn DN Việt Nam trong lĩnh vực điện tử đi tìm hiểu thị trường Hàn Quốc. Sau hai tuần thăm, làm việc và tìm hiểu, tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội cũng như có thể xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư cho DN hai bên. Khi về Việt Nam viết báo cáo, tôi đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước cần thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, vì lúc đó Việt Nam mới chỉ chú trọng quan hệ với Bắc Triều Tiên. 4 năm sau, vào năm 1992, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Hàn Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam.

Tháng 10/1994, VCCI tổ chức đoàn DN hùng hậu gồm gần 200 DN lớn của Việt Nam do Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Mỹ hai tuần. Thời điểm đó, Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đây là lần đầu tiên có đoàn DN lớn như vậy đi Mỹ. Lúc đoàn đến San Francisco, có rất nhiều người Việt di cư sang Mỹ biểu tình chống đối, đả đảo, giăng khẩu hiệu không muốn làm ăn gì với “cộng sản”. Khi đó, ông Thống đốc bang California đến và nói trước đám đông: “Thời thế đã thay đổi rồi, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi rồi!”

Trong chuyến đi đó, phóng viên đài VOA (Voice of America) đã đến gặp tôi và phỏng vấn tôi bằng tiếng Anh, có hỏi tôi:

- Ông sang Mỹ để làm gì?

Tôi đã trả lời:

- Chủ trương của Đảng và Chính phủ chúng tôi là tạm gác quá khứ, tăng cường hợp tác để hướng tới tương lai. Tôi nghĩ nước Mỹ sẽ là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng sẽ là nhà đầu tư lớn nhất đối với Việt Nam. Các vấn đề về khoa học công nghệ, quản lý, tài chính,… cũng rất hiệu quả đối với các DN chúng tôi. Tất cả những điều đó giúp ích rất lớn cho quan hệ của Việt Nam và Mỹ phát triển trong tương lai.

Phóng viên lại hỏi tôi:

- Ông nghĩ gì về việc có nhiều người biểu tình bên ngoài?

- Tôi rất buồn, vì đáng lẽ sau chiến tranh, anh em “máu đỏ da vàng” phải chung tay để xây dựng đất nước. Họ đã di cư sang Mỹ trong khoảng thời gian dài,… Nhưng tôi không trách họ, bởi họ xa đất nước gần 20 năm, họ thiếu thông tin, hiểu biết về Việt Nam. Tôi sẵn lòng mời họ về quê hương, bởi khi họ nắm được thông tin thì họ sẽ có cách nhìn, suy nghĩ khác. Tôi rất mong người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, cùng hòa hợp dân tộc, cùng bắt tay để xây dựng đất nước hùng cường.

Sau đó, chúng tôi dẫn đoàn DN sang New York và Washington, D.C, vào thăm cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ để gặp gỡ bà con, kiều bào. Khi đó, nhiều người tò mò muốn biết “Ông nào từ Việt Nam sang Mỹ đã trả lời phỏng vấn trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ?”, bởi đây là lần đầu tiên có người Việt Nam nói trên Đài VOA 15 phút bằng tiếng Anh để toàn dân Mỹ và dân Việt Nam nghe. Và cũng bởi họ cảm thấy rất hạnh phúc, rất xúc động, bởi những gì tôi nói cũng chính là nỗi lòng của kiều bào ta tại Mỹ.

Khi đoàn chúng tôi tới thăm Viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ, nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu ở Viện đã chia sẻ: “Đáng lẽ sau 1975, chúng ta phải nhanh chóng bình thường hóa quan hệ để làm ăn với nhau, giúp Việt Nam giàu lên như Mỹ đã từng giúp Nhật Bản và các nước đại bại ở Chiến tranh thế giới thứ 2. Chúng ta giúp nhau mạnh lên thì sẽ là bạn của nhau mãi mãi.”.

Có thể nói, VCCI với chuyến đi lịch sử tháng 10/1994 để lại tiếng vang lớn, đã góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam với Mỹ.

Điều tôi ước mơ là Mỹ trở thành thị trường lớn nhất giúp Việt Nam xuất khẩu, đầu tư, hỗ trợ về tài chính, khoa học công nghệ và đặc biệt là quản lý, đào tạo cán bộ DN. Những điều đó giúp cho Việt Nam phát triển một cách bền vững trên con đường hội nhập quốc tế. Và điều đó đang là hiện thực.

VCCI đã có rất nhiều chuyến đi “khai phá” thị trường cho DN Việt Nam. Ngoài chuyến đi lịch sử sang Mỹ, ông còn ấn tượng về chuyến đi nào khi dẫn đoàn DN Việt Nam ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm?

Năm 1996, tôi dẫn đầu một đoàn DN Việt Nam sang Israel. Đích thân ông Đại sứ Israel tại Việt Nam đã dẫn đoàn đi khám phá đất nước này. Đây thực sự là một chuyến đi hết sức ấn tượng. Bởi Israel là một đất nước chỉ có khoảng 5 triệu dân, chủ yếu là sa mạc, không có tài nguyên gì. Tất cả mọi thứ đều phải nhập khẩu, kể cả nước. Nhưng họ đã giàu lên nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Chúng tôi đã đi thăm các thành phố lớn của Israel, bên đó họ trồng cỏ cũng phải tưới chứ không như ở Việt Nam, nước có sẵn trong đất rồi. Thời gian đó, vào mùa đông, họ xuất khẩu cà chua sang châu Âu, năng suất 200 tấn/ha, chuối 100 tấn/ha, tôm 20 tấn/ha, cá 60 tấn/ha. Cho dù thiếu tài nguyên nhưng nhờ áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp nên đã mang lại hiệu quả, năng suất rất cao.

Có thể nói, tất cả các thành tựu về nông nghiệp trên thế giới khi đó đều từ Israel. Thái Lan đã nhanh chóng cử sinh viên tốt nghiệp về nông nghiệp sang làm việc hai năm, sau đó về hợp tác liên doanh sản xuất nông nghiệp và họ đã rất thành công, nông nghiệp của Thái Lan đã phát triển nhanh chóng.

Tôi nhận thấy nếu muốn phát triển nhanh về nông nghiệp thì Việt Nam nên cử chuyên gia sang đó học. Khi về viết báo cáo với Chính phủ, tôi đã kiến nghị cử sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp đi sang làm việc tại Israel, sau đó về hợp tác sản xuất ở Việt Nam. Nếu thời gian đó chúng ta triển khai ngay thì bây giờ nông nghiệp của chúng ta đã phát triển nhanh hơn nữa.

Tôi cũng kiến nghị mở Văn phòng Đại sứ Việt Nam tại Israel. Tôi đã được đi hơn 100 nước trên thế giới, nhưng thực sự đây là đất nước để lại trong tôi nhiều ấn tượng, bởi họ vẫn phát triển kinh tế rất tốt ngay cả trong tình trạng chiến tranh. Với một tầm nhìn rộng mở, sâu sắc, cho dù điều kiện tự nhiên họ khó khăn hơn mình nhưng họ đã biết cách “thuần hóa” nó, hiện thực hóa khát vọng làm giàu cho dân tộc và phát triển DN một cách bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum